Công nghệ lấy nước ngầm kiểu mới cho công trình đập dâng tại xã Cốc San, Bát Xát. Ảnh Internet
Để giải quyết khó khăn về cấp nước sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi cho vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung, nhiều công nghệ đã được ứng dụng mang lại bước đột phá.
* Đột phá công nghệ bơm nước không dùng điện
Tại Hà Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp tỉnh Hà Giang với tổ chức Lễ khánh thành công trình trạm bơm nước không dùng điện. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam và thứ 2 tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ bơm nước không dùng điện. Dự án là bước đột phá về công nghệ khai thác nước bền vững trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tháng 2/2014, Dự án Kawatech đã được Viện quản lý nước và lưu vực sông (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Hà Giang hợp tác triển khai tại thôn Séo Hồ, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn), với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Trong đó, Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ 2,5 triệu Euro (tương đương gần 70 tỷ đồng), Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng gần 70 tỷ đồng.
Công nghệ lấy nước ngầm kiểu mới cho công trình đập dâng tại xã Cốc San, Bát Xát. Ảnh Internet
Hơn 5 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành với các hạng mục: Hệ thống bơm PAT với 2 tổ bơm, tổng công suất đạt 19 lít/s. Từ tháng 4/2019 đến nay, dự án đã được vận hành thử nghiệm, với công suất đạt 1.600m3/ngày đêm, đảm bảo cấp đủ nước cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn hiện tại và tương lai.
Hiện Dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu bàn giao tạm thời cho tỉnh đưa vào sử dụng.
Công nghệ lấy nước ngầm qua hệ thống đập ngầm
Tại Lào Cai, các nhà khoa học thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ lấy nước ngầm kiểu mới cho công trình đập dâng tại xã Cốc San, Bát Xát.
Theo đó, ứng dụng công nghệ thu lọc nước ngầm tầng nông tại lòng suối, khe tụ thủy thông qua hệ thống đập ngầm, hào thu nước được xây dựng bằng các loại vật liệu đơn giản như đá xây, vải chống thấm địa kỹ thuật kết hợp với hệ thống ống thu có gắn băng thu lọc nước theo nguyên lý mao dẫn được chế tạo sẵn bằng nhựa PVC để dẫn nước ra phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.
Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Chí Thanh cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã nghiên cứu sâu và đã đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đập dâng, các vấn đề như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, tính dễ bị tổn thương. Qua quá trình vận hành được các chuyên gia, người dân địa phương đánh giá đạt hiệu quả thu nước tốt, thi công nhanh và đơn giản, dễ dàng vận hành và bảo dưỡng, độ ổn định cao đã được kiểm chứng là ổn định sau 2 đợt lũ lớn. Đề tài sản phẩm đã được đăng ký sáng chế “phương pháp thu nước ngầm đáy sông, suối kiểu nằm ngang” do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao và sẽ sớm được chuyển giao cho tỉnh Lào Cai nhằm tháo gỡ khó khăn về cấp nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của đồng bào tại xã Cốc San, huyện Bát Xát. Các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Khoa học - Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ Lào Cai đã có đề nghị bằng văn bản để cho phép tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình này.