Việc đánh giá nhằm các mục tiêu: phục hồi dữ liệu về dòng chảy trên các lưu vực sông; dự báo nguồn nước, nhu cầu dùng nước của thành phố đến năm 2050; cân bằng nước cho thành phố ở các giai đoạn 2020, 2030 và 2050 để từ đó đề xuất giải pháp thích ứng với BĐKH về quản lý tài nguyên nước mặt.
Tại hội thảo, TS. Trần Văn Giải Phóng, phụ trách kỹ thuật của ISET – Việt Nam giới thiệu mô hình WEAP (The Water Evaluation and Planning System), là công cụ đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước do Học viện Môi trường Stockholm, Hoa Kỳ thiết lập từ năm 1988, cung cấp một hệ thống cho việc duy trì thông tin về nhu cầu và cấp nước, dòng chảy sông, lưu trữ nước, sự phát sinh ô nhiễm và cách xử lý. WEAP đánh giá đầy đủ các tùy chọn quản lý và phát triển tài nguyên nước, thực hiện sự tính toán việc sử dụng đa mục tiêu và tính ưu tiên của hệ thống tài nguyên nước, cho kết quả tính toán nhanh, không yêu cầu cao về máy tính nên rất phù hợp để sử dụng trong quản lý, dễ dàng xây dựng và thay đổi với các chỉ số giả định cho các kịch bản nguồn nước khác nhau.
TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung - Tây Nguyên (Tư vấn kỹ thuật chính của dự án) cho biết, hiện đã ứng dụng WEAP vào việc đánh giá hiện trạng và dự báo tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng với 9 kịch bản cho nguồn nước bao gồm các kịch bản cao, thấp, trung bình, phân chia theo các giai đoạn 2020, 2030, 2050. Bộ CSDL thử nghiệm trên cho mô hình WEAP gồm dữ liệu địa hình, dữ liệu khí tượng thủy văn, chọn trạm khí tượng - thủy văn, phân lưu và xâm nhập mặn, đồng thời xác định nhu cầu dùng nước (dân sinh, thương mại, công nghiệp, công cộng...), hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Tác giả bài viết: HIỀN TRANG
Nguồn tin: danang.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn