Các khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Canada đã trải qua đợt nắng nóng có nhiệt độ cao hơn mức kỷ lục vài độ, ví dụ nhiệt độ đạt mức kỷ lục cao nhất mọi thời đại của Canada là 49,6ºC (121,3ºF) đo được ở làng Lytton - cao hơn nhiều so với kỷ lục của quốc gia này trước đó là 45ºC (113ºF). Ngay sau khi được ghi nhận, làng Lytton đã bị phá hủy phần lớn do một trận cháy rừng.
Mỗi đợt nắng nóng xảy ra ngày nay đều có khả năng xảy ra nhiều hơn và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu. Để nắm rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ tăng cao, các nhà khoa học đã phân tích các dữ liệu quan sát và mô phỏng trên máy tính để so sánh khí hậu hiện nay, sau khi trái đất nóng lên khoảng 1,2° C (2,2ºF) kể từ cuối những năm 1800, với khí hậu trong quá khứ, theo các phương pháp đánh giá ngang hàng.
Nhiệt độ khắc nghiệt mà chúng ta đã trải qua nằm ngoài phạm vi nhiệt độ quan sát được trong quá khứ, điều này gây khó khăn cho việc xác định chính xác tần suất của sự kiện này trong điều kiện khí hậu hiện tại và trong điều kiện con người không gây ra biến đổi khí hậu - nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng nó sẽ “hầu như không thể xảy ra” nếu không có tác động của con người.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra hai cách giải thích thay thế cho vấn đề, làm thế nào mà biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều hơn các hiện tượng nhiệt độ cao bất thường. Khả năng thứ nhất là, trong khi biến đổi khí hậu khiến một đợt nắng nóng khắc nghiệt như vậy dễ xảy ra hơn, thì nó vẫn là một sự kiện rất bất thường trong điều kiện khí hậu hiện tại. Hạn hán có từ trước và các điều kiện hoàn lưu khí quyển bất thường, được gọi là 'vòm nhiệt', kết hợp với biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng rất cao. Theo cách giải thích này, nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mức nhiệt cao nhất sẽ thấp hơn khoảng 2° C (3,6° F).
Cho đến khi lượng phát thải khí nhà kính tổng thể được cắt giảm, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng và những sự kiện này sẽ thường xuyên xảy ra hơn. Ví dụ, các nhà khoa học nhận thấy rằng, ngay cả khi mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn ở 2° C (3,6° F), sớm nhất vào năm 2050, thì một đợt nắng nóng như thế này sẽ xảy ra với tần suất khoảng 5 đến 10 năm một lần.
Một cách giải thích khác là hệ thống khí hậu đã vượt qua ngưỡng phi tuyến tính/ngưỡng ổn định (non-linear threshold), nơi một lượng nhiệt nhỏ từ hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến cho nhiệt độ cực đoan tăng nhanh hơn so với những gì đã được ghi nhận cho đến nay – khả năng này sẽ được khám phá thêm trong các nghiên cứu trong tương lai. Điều này có nghĩa là các đợt nắng nóng kỷ lục như sự kiện tuần trước có nhiều khả năng xảy ra hơn so với dự đoán của các mô hình khí hậu. Điều này đặt ra câu hỏi về việc giới khoa học hiện tại có thể nắm rõ cách thức hoạt động của các đợt nắng nóng trong điều kiện biến đổi khí hậu như thế nào.
Sự kiện nắng nóng khắc nghiệt này đã gửi đi một cảnh báo mạnh mẽ rằng nhiệt độ khắc nghiệt, điều hiện nằm ngoài nhiệt độ dự kiến, có thể xảy ra ở vĩ độ cao tới 50° vĩ bắc, và phạm vi của nó bao gồm tất cả các vùng tiếp giáp của Mỹ, Pháp, một phần của Đức, Trung Quốc, cũng như Nhật Bản. Các nhà khoa học cảnh báo rằng các kế hoạch thích ứng nên được xây dựng để ứng phó với mức nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức được ghi nhận trong quá khứ gần đây.
Nghiên cứu được thực hiện bởi 27 nhà nghiên cứu thuộc tổ chức nghiên cứu World Weather Attribution, bao gồm các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng tại Canada, Mỹ, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp và Anh.