Bài viết này tóm tắt kết quả của một nghiên cứu mới đây, mô tả và phân tích tình hình hiện nay ở Jordan trước khi đưa ra các giải pháp dựa trên kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả.
Jordan là một ví dụ điển hình của một quốc gia khan hiếm nước. Nhu cầu nước ngọt tại Jordan vượt quá tổng lượng nước tái tạo của quốc gia cùng với sự ô nhiễm nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm cũng là vấn đề cần quan tâm. Đồng thời, Jordan phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ bên ngoài chảy vào, điều này hợp theo lẽ tự nhiên, thông qua sự chia sẻ các dòng sông và các tầng chứa nước với các quốc gia láng giềng, hay gián tiếp, thông qua sự phụ thuộc mạnh mẽ của quốc gia này vào nhập khẩu nước ảo từ thương mại quốc tế trong hàng hóa. Trong quá khứ, đã từng có những căng thẳng trong việc chia sẻ tài nguyên nước với Israel và Syria. Hơn nữa, Jordan còn là cánh cửa lớn cho người tị nạn do hậu quả của những cuộc xung đột đang diễn ra ở các nước xung quanh, vì vậy, họ càng phải đấu tranh để đáp ứng với nhu cầu nước cho sinh hoạt.
Hình 1: Dấu chân nước sạch ở Jordan và so sánh với nguồn nước sạch sẵn có
Mục tiêu và thiết kế nghiên cứu
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích các vấn đề nêu trên và sau đó xem xét các giải pháp bền vững giúp làm giảm nguy cơ khan hiếm nước và phụ thuộc vào nước. Nhóm tác giả đã chọn phân tích tình hình Jordan thông qua góc nhìn về dấu chân nước. Là một phần của quá trình, nhóm tác giả đã ước tính dấu chân nước liên quan đến các hoạt động diễn ra tại Jordan và cũng tính toán nước ảo và dấu chân nước bên ngoài liên quan đến việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ ở Jordan. Điều này được tiến hành theo tiêu chuẩn toàn cầu cho Đánh giá dấu chân nước, sử dụng các phương pháp và dữ liệu của Mekonnen và Hoekstra.
Hơn nữa, nhóm tác giả xem xét các giải pháp khác nhau đã được thảo luận trong quá khứ để nhiều hay ít giải quyết tình trạng nước sinh hoạt và sự phụ thuộc vào nguồn bên ngoài của Jordan.
Tính bền vững trong tiêu thụ nước và ô nhiễm ở Jordan
Tổng dấu chân nước ở Jordan (tiêu thụ nước bề mặt và nước dưới đất) chiếm 69% nước sạch hiện có (Hình 1). Kết quả này đã cho thấy Jordan là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Bức tranh về nguồn nước ngầm còn đáng báo động hơn, tiêu thụ nước ngầm gần gấp đôi so với lượng nước ngầm sẵn có. Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm nước càng làm cho tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng hơn hay còn gọi là dấu chân nước xám vượt quá khả năng đồng hóa chất thải của nguồn nước.
Sự phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài của Jordan
Jordan phụ thuộc nhiều vào nguồn nước xuyên biên giới (34%). Tuy nhiên, sự phụ thuộc của nước này vào nguồn nước bên ngoài thông qua thương mại là lớn hơn nhiều. 86% lượng nước tiêu thụ gắn liền với việc sản xuất sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ bởi người dân Jordan từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới (Hình 2). Một phần lớn dấu chân nước này liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm động vật như thịt, da và sữa (Hình 3).
Hình 2: Dấu chân nước trong tiêu thụ nước ở Jordan (a) và của Trung Đông (b) giai đoạn 1996 – 2005
Hình 3: Dấu chân nước trung bình trong tiêu thụ nước ở Jordan giai đoạn 1996 – 2005.
Các yếu tố cần thiết để giảm thiểu nguy cơ khan hiếm nước và sự phụ thuộc từ bên ngoài
Nhóm tác giả đã xem xét tình bền vững của các giải pháp đề xuất cho vấn đề nước của Jordan trong các tài liệu học thuật và chiến lược quốc gia về nước của Jordan. Đánh giá này có thể tóm tắt thành các nội dung như sau:
- Không khai thác tài nguyên nước ngầm hóa thạch. Nguồn tài nguyên này chỉ nên được sử dụng trong thời điểm cấp bách với số lượng ít và không thường xuyên.
- Định hướng thực hiện các dự án khử mặn bằng năng lượng mặt trời và gió bền vững.
- Điều tra và thực hiện các giải pháp tích trữ và sử dụng hiệu quả nước mưa để khắc phục tình trạng thiếu nước ở quy mô nhỏ.
- Ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý các dòng thải và tái sử dụng nước thải sau xử lý nhưng xem xét nước thải không phải là một nguồn nước ngọt mới để bổ cập cho nước ngầm, nước bề mặt và nước được khử muối.
- Xây dựng các tiêu chí về dấu chân nước cho cây trồng và sản phẩm, phản ánh mức độ hợp lý của việc tiêu thụ nước trên một đơn vị sản xuất và làm việc hướng tới đạt được các tiêu chí đó bằng cách tập trung vào các kế hoạch tưới hiệu quả cũng như quản lý đất đai và cây trồng.
- Tăng hiệu quả phân bổ bằng cách đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt và sử dụng nguồn nước sẵn có dưới mức bền vững tối đa cho việc sản xuất các sản phẩm và các loại cây trồng có giá trị cao với dấu chân nước có giá trị thấp để xuất khẩu.
- Sử dụng doanh thu từ xuất khẩu để tài trợ cho việc nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa tất yếu cần nhiều dấu chân nước từ các quốc gia có mức độ khan hiếm nước thấp hơn Jordan.
- Kích thích sự thay đổi theo hướng mô hình tiêu thụ với dấu chân nước ít hơn, ví dụ như ra mắt ngày không thịt hoặc dán nhãn sản phẩm.
- Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ Jordan trong việc tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn từ các vùng xung đột lân cận nhằm giảm nhu cầu nước cho sinh hoạt.
Đối với những nội dung nêu trên, chính sách nước hiện tại của Jordan đòi hỏi phải có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong quản lý nhu cầu về nước. Thực tế thực hiện các kế hoạch trong chiến lược quốc gia về nước sẽ là bước đầu tiên. Tuy nhiên, cần chú ý phương án trả tiền nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng nước bằng cách thay đổi mô hình tiêu thụ nước của người tiêu dùng ở Jordan. Hơn nữa, khai thác không bền vững các tầng chứa nước hóa thạch Disi cần sớm phải tạm dừng và lên kế hoạch cũng như xem xét cẩn thận các dự án khử muối để tăng tính bền vững cho các nguồn năng lượng của đất nước.
Trong khi nghiên cứu của nhóm tác giả tập trung vào Jordan là một quốc gia điển hình của tình trạng khan hiếm nước và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước bên ngoài. Nhóm tác giả tin rằng rất nhiều các chính sách ở trên có thể được khái quát hóa cho các quốc gia khác có tình trạng tương tự. Như vậy, nghiên cứu này rất hữu ích cho các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện với nhiệm vụ phát triển các kế hoạch quốc gia về nguồn nước.