Giải thưởng Nước Stockholm năm 2021 vừa được trao cho cô Sandra Postel vì những đóng góp của cô giúp cho mọi người trên toàn thế giới nhận thức được cuộc khủng hoảng nước ngày càng gia tăng. Trong một cuộc phỏng vấn với Viện Nước Quốc tế (SIWI) mới đây, cô Sandra Postel đã có những chia sẻ về cuộc khủng hoảng nước và những giải pháp thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng này.
PV: Ngày 22/3 vừa qua, cô nhận được thông báo là sẽ nhận giải thưởng danh giá nhất thế giới trong lĩnh vực nước, cô cảm thấy thế nào?
Cô Sandra Postel: Với tôi, việc nhận được giải thưởng danh giá Nước Stockholm là một vinh dự đặc biệt. Khi đã cam kết với bản thân theo đuổi một công việc, theo thời gian nhiều khi chúng ta tự hỏi rằng nếu ta đã làm một việc nào đó khác biệt thì những nỗ lực đó sẽ đi đến đâu và được gì (?)! Khi đạt được thành tựu này, tôi nhận ra rằng mình không bao giờ cô đơn, tôi đã được làm việc với nhiều đồng nghiệp tuyệt vời, tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện khi được làm việc với họ.
PV: Tại sao Cô lại lựa chọn con đường cống hiến vì ngành nước?
Cô Sandra Postel: Tôi cảm thấy rất may mắn khi tôi đã tìm thấy mục đích cho cuộc đời mình khi còn khá trẻ và hơn hết đó làm điều gì đó thay mặt cho thiên nhiên lên tiếng về những vấn đề của Trái Đất. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã tiếp tục nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nước, từ đó các cơ hội làm việc về các vấn đề nước ngọt ở quy mô quốc gia và toàn cầu đến với tôi.
Tôi phải nói rằng, chính Giáo sư Malin Falkenmark của Thụy Điển đã có ảnh hưởng lớn đến tôi. Tôi đã đọc tác phẩm mang tính đột phá của ông và trong lần gặp đầu tiên khi giáo sư đến thăm viện nghiên cứu ở Washington DC, nơi tôi đang làm việc, Giáo sư đã khuyến khích tôi suy nghĩ rộng hơn về các vấn đề nước toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến lương thực và nông nghiệp. Cho đến ngày hôm nay, tôi rất biết ơn Giáo sư Falkenmark đã chia sẻ kiến thức chuyên môn cũng sự động viên của ông trong suốt quá trình làm việc nghiên cứu của tôi.
Cô Sandra Postel - Người vinh dự được trao Giải thưởng Nước Stockholm năm 2021
PV: Điều quan trọng nhất mà mọi người nên biết về nước là gì, thưa Cô?
Cô Sandra Postel: Nước là nền tảng của sự sống; nước là hữu hạn; và nước là không thể thay thế. Không giống như than, dầu hoặc đồng, nước không chỉ là một nguồn tài nguyên để khai thác, nước còn là nguồn sống.
Mặc dù ai cũng hiểu điều này, nhưng chúng ta thường không sử dụng và quản lý nước theo những cách phản ánh sự thật này. Các kỹ thuật quản lý nước như: sử dụng những con đập để lưu trữ nước, đổi dòng, chuyển hướng để di chuyển kiểm soát dòng chảy, bơm khai thác nước ngầm hay những con đê cao để kiểm soát lũ lụt đã cho phép chúng ta kiểm soát nước để mở rộng nền văn minh nhân loại. Nhưng những cách làm này đã phá vỡ vòng tuần hoàn tự nhiên của nước do vậy, chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả. Dòng chảy của các con sông chính đang cạn kiệt, nước ngầm đang cạn kiệt, mực nước ngầm hạ thấp, các vùng đất ngập nước đang bị cạn kiệt và các loài sinh vật nước ngọt đang biến mất. Các bản đồ căng thẳng nước ngày càng đỏ hơn theo từng năm.
Vì vậy, thách thức của chúng ta hiện giờ là bổ sung và sửa chữa chu trình nước tự nhiên cố gắng hòa thuận với thiên nhiên thay vì chống lại thiên nhiên. Điều này cũng sẽ rất quan trọng để xây dựng khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu. May mắn thay, với nhiều cách thức mà chúng ta đã và đang làm phá vỡ vòng tuần hoàn của nước thì vẫn có những giải pháp đã được chứng minh là có thể sửa chữa, rút kinh nghiệm mặc dù cần sự hợp tác linh động, hợp lý, nhưng tôi tin là có thể làm được.
PV: Cô muốn thúc đẩy những thay đổi nào về vấn đề nước?
Cô Sandra Postel: Chúng ta cần thiết lập một nền tảng mới để hướng dẫn sử dụng và quản lý nước, dựa trên nguyên tắc rằng tất cả mọi người và tất cả các loài sinh vật đều xứng đáng được nhận và sử dụng nước.
Thực tế chúng ta phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc sống, tất cả các loài sinh vật sống trên Trái Đất đều có mối liên hệ lẫn nhau, hòa hợp và phụ thuộc. Từ nền tảng tư duy đó, chúng ta nên bắt đầu quản lý nước theo cách khác đi. Ví dụ, chúng ta có thể vận hành các con đập để cung cấp nhiều dòng chảy tự nhiên hơn cho các con sông, từ đó giúp duy trì sự sống của các loài cá và các sinh vật thủy sinh khác; kết nối các con sông với các vùng ngập lũ giúp bổ sung nguồn nước cho các tầng chứa nước ngầm, đồng thời giảm nguy cơ lũ lụt và tạo ra môi trường sống quan trọng cho cá, chim và động vật hoang dã.
Gần đây, chúng ta đang bắt đầu nhận ra và hướng tới các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết các thách thức về tài nguyên nước và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Việc kết hợp với các biện pháp sử dụng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước có thể đạt được đa lợi ích về tài nguyên nước và kinh kế - xã hội như có thể phục hồi đất, lưu trữ nhiều carbon và nước hơn trong đất, giảm dòng chảy bị ô nhiễm gây ra hiện tượng nở hoa của tảo và xây dựng khả năng chống chịu với hạn hán và lũ lụt.
PV: Theo Cô, mỗi chúng ta có thể thể làm gì với tư cách cá nhân?
Cô Sandra Postel: Điều đầu tiên là nhận thức về nguồn nước, mỗi người cần có nhận thức đúng đắn và hiểu được chu trình của nước, nguồn gốc của nước. Để nhận được nước tại nhà của mình thì nguồn nước đó đến từ đâu, được vận chuyển như thế nào,… khi hiểu được điều đó thì mỗi cá nhân sẽ có ý thức hơn trong khi sử dụng nước, quan tâm đến nước nhiều hơn và điều này cần phải được nhân rộng trong cộng đồng.
Điều thứ hai là chúng ta cần có hiểu biết nhất định và tìm hiểu thêm về “dấu chân nước” của chính chúng ta và lượng nước cần thiết để duy trì cuộc sống của mình từ thực phẩm chúng ta ăn đến năng lượng chúng ta sử dụng cho quần áo chúng ta mặc. Khi chúng ta nhận ra rằng có thể cần tới 2.600 lít nước để tạo ra một chiếc áo cotton, chúng ta có thể tự hỏi mình liệu chúng ta có thực sự cần sở hữu nhiều áo như vậy hay không (?)!
Hơn nữa, cách để giảm lượng nước sử dụng cho cá nhân chính là giảm lượng chất thải thải ra. Mỗi lần chúng ta đổ một tách cà phê xuống cống, chúng ta đang bỏ đi một lượng nước tương đương 130 lít xuống cống, vì lượng nước cần thiết để trồng những hạt cà phê cho đến khi tạo được tách cà phê đó. Hơn nữa, nếu những hạt cà phê đó đến từ Ethiopia, có nghĩa là chúng ta đang tác động đến nguồn nước ở Ethiopia. Do vậy, những hành động như như giảm lãng phí thực phẩm, năng lượng hay hành động tiết kiệm nước trực tiếp, là một cách dễ dàng để giảm thiểu lượng nước cho mỗi cá nhân trên hành tinh.
Mặc dù, một cá nhân không thể tạo ra sự khác biệt, nhưng nếu hàng trăm triệu người trong chúng ta cùng hành động để thu nhỏ dấu chân nước của mỗi cá nhân chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.
PV: Cô có lạc quan về tương lai?
Cô Sandra Postel: Tôi rất lạc quan. Trong một cuốn sách mới nhất của tôi là “The Virtuous Cycle of Water and Prosperity” (Sự thịnh vượng và vòng tuần hoàn ảo của Nước), tôi nhận thấy rằng chúng ta có thể có giải pháp để đạt được an ninh nước an toàn và bền vững hơn. Nhưng với tốc độ phát triển của thế giới thì cần những hành động khẩn trương hơn, mở rộng hơn giải pháp mà chúng ta tìm ra.
Mặc dù, chỉ trong 50 năm qua, quần thể cá, ếch và các động vật có xương sống nước ngọt khác đã giảm khoảng 83%. Nhưng tôi vẫn lạc quan rằng chúng ta có thể đưa một số quần thể sinh vật này quay trở lại. Chúng tôi đã thấy điều này nhiều lần, chẳng hạn như khi chúng tôi dỡ bỏ một con đập lỗi thời hoặc thêm dòng chảy vào một con sông đã cạn kiệt, các quần thể cá sẽ quay trở lại. Nếu chúng ta cho thiên nhiên một cơ hội, thiên nhiên sẽ tự chữa lành.