Báo cáo Điện gió Toàn cầu năm 2022 cho biết, ngành điện gió đã có năm thành công thứ hai tính từ trước đến nay trong năm 2021, với việc bổ sung gần 94 GW công suất trên toàn cầu, bất chấp đại dịch COVID-19 đã diễn ra 2 năm nay. Con số này chỉ thấp hơn 1,8% so với tốc độ tăng trưởng điện gió hàng năm trong năm 2020. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và quỹ đạo đi lên của ngành điện gió toàn cầu.
Tuy nhiên, Báo cáo Điện gió Toàn cầu năm 2022 từ Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) cũng chỉ rõ, mức tăng trưởng này cần phải tăng gấp bốn lần vào cuối thập kỷ này nếu thế giới muốn đi đúng với lộ trình giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5oC và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Công suất toàn cầu tăng thêm 93,6 GW, nâng tổng công suất điện gió tích lũy toàn cầu lên 837 GW, tăng 12% so với năm trước. Trong khi hai thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ, lắp đặt ít công suất điện gió trên bờ mới hơn vào năm ngoái - lần lượt là 30,7 GW và 12,7 GW – thì các khu vực khác đã có năm đạt kỷ lục. Châu Âu, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi & Trung Đông, đã tăng công suất lắp đặt điện gió trên bờ mới lần lượt là 19%, 27% và 120%.
Thị trường điện gió ngoài khơi đã có một năm thành công nhất từ trước đến nay vào năm 2021, với 21,1 GW công suất được đưa vào hoạt động, tăng gấp ba lần so với năm trước. Công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi khổng lồ của Trung Quốc trong năm này đã chiếm 80% mức tăng trưởng đó, giúp nước này vượt qua Vương quốc Anh để trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt tích lũy.
Tác động của đại dịch COVID-19 đã rất rõ ràng, ví dụ như sự chững lại trong việc đưa các dự án mới ở các thị trường như Mỹ, Ấn Độ và Đài Loan vào hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động đấu giá vào năm 2021 đã chứng minh rằng việc tăng cường triển khai điện gió là chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia. Công suất được đấu giá đã tăng 153% so với năm 2020, với 88 GW trên toàn cầu. Điện gió trên bờ chiếm 69 GW (78%) trong số đó, và công suất điện gió ngoài khơi là 19 GW.
Điện gió đang có một quỹ đạo tăng trưởng tích cực, nhưng điện gió chưa hoàn toàn phát triển ở mức độ đủ nhanh hoặc rộng để thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu một cách an toàn và bền vững. Với tốc độ lắp đặt hiện tại, Cơ quan Phân tích Thị trường của GWEC dự báo rằng vào năm 2030, chúng ta sẽ thiếu hơn hai phần ba công suất điện gió cần thiết cho lộ trình vì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở mức 1,5°C và phát thải ròng bằng 0, điều này khiến chúng ta bỏ lỡ các mục tiêu khí hậu.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC, cho biết: “Ngành điện gió tiếp tục phát triển và thành công, nhưng việc mở rộng tốc độ tăng trưởng đến mức cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như đảm bảo an ninh năng lượng sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận mới, chủ động hơn, đối với việc hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Những điểm nhấn trong Báo cáo Điện gió Toàn cầu năm 2022:
(1) Mở rộng quy mô đến năm 2030: Cần phải tăng gấp bốn lần công suất lắp đặt điện gió mới trong thập kỷ này để theo kịp mục tiêu giữ mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C.
(2) Hệ thống năng lượng ngày càng phức tạp và có tính liên kết với nhau: Các quốc gia và cộng đồng phải chung tay ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu.
(3) Thiết kế hệ thống đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các áp lực của quá trình chuyển dịch năng lượng: Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là hệ quả của việc các thị trường năng lượng được xây dựng dựa vào nhiên liệu hóa thạch.
(4) Ngành điện gió phải đối mặt với chi phí cao hơn trong bối cảnh cấu trúc thị trường không phù hợp: Các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá lại thị trường để phù hợp hơn với các mục tiêu kinh tế và xã hội.
(5) Điện gió phải là nhân tố góp phần đảm bảo cho quá trình chuyển đổi năng lượng: Ngành điện gió phải đảm bảo rằng điện gió đồng nghĩa với các giá trị xã hội và môi trường.
(6) Loại bỏ rào cản hành chính vì một tương lai xanh: Nếu không tinh giản các thủ tục cấp phép, bao gồm cả bàn giao đất, thì các dự án đấu nối lưới điện sẽ vẫn không thể thực hiện được.
(7) Hợp tác công tư là cần thiết để đương đầu với vấn đề địa chính trị mới của chuỗi cung ứng điện gió: Cần phải có một khuôn khổ pháp lý quốc tế mạnh mẽ hơn để giải quyết sự cạnh tranh gia tăng đối với các hàng hóa và khoáng sản quan trọng.
(8) Sự biến mất của công suất nền (baseload): Tính linh hoạt sẽ là yếu tố chính của hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo và các nhà hoạch định chính sách phải gửi tín hiệu đến thị trường rằng họ sẽ đầu tư vào các công cụ cho điều này.
(9) Mức đầu tư chưa từng có vào lưới điện là cần thiết để theo kịp tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo: Đầu tư vào lưới điện phải tăng gấp ba lần so với mức hiện tại cho đến năm 2030.
(10) Ngành điện gió có vai trò chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và bình đẳng: Lập kế hoạch nhân lực để triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn nên là chính sách ưu tiên từ sớm.
Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) là một tổ chức thành viên đại diện cho toàn bộ lĩnh vực điện gió. Các thành viên của GWEC đại diện cho hơn 1.500 công ty, tổ chức và viện nghiên cứu tại hơn 80 quốc gia, bao gồm các nhà sản xuất, nhà phát triển, nhà cung cấp linh kiện, viện nghiên cứu, hiệp hội năng lượng tái tạo và điện gió quốc gia, nhà cung cấp điện, công ty tài chính và bảo hiểm. |