Một trong những cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trình lan truyền dịch bệnh Covid -19 là rửa tay và bảo đảm vệ sinh
Năm 2020, Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới đều có chung một chủ đề: “Nước và Biến đổi Khí hậu”.
Hai lĩnh vực nước và khí tượng có mối liên kết chặt chẽ với nhau và cùng có mối liên quan đến biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Mặt khác, chúng ta cũng có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu qua nước: Bảo vệ vùng đất ngập nước làm giảm khí thải nhà kính; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nước đảm bảo của người dân giúp cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; tái sử dụng nước thải an toàn giúp giảm nhu cầu sử dụng tiêu thụ nước ngọt,...
Biến rủi ro thành cơ hội trong vấn đề Nước - Môi trường và Biến đổi khí hậu đòi hỏi phải đặt nước là trung tâm của các kế hoạch hành động khí hậu và hợp tác xuyên biên giới với sự tham gia của tất cả các thành phần của xã hội, trong đó mỗi người đều nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu.
Năm 2020, Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3) diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả Liên Hợp Quốc đang cùng nhau giải quyết các vấn đề chống lại đại dịch coronavirus (Covid -19). Do đó, tổ chức UN- Water cùng với Ban Tổ chức Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới cũng có trách nhiệm nêu bật tầm quan trọng của việc tuân theo các hướng dẫn của quốc tế và quốc gia để ngăn chặn virus lây lan.
Một trong những cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trình lan truyền dịch bệnh Covid -19 là rửa tay và bảo đảm vệ sinh
Một trong những cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trình lan truyền dịch bệnh Covid -19 là rửa tay và bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, trên toàn cầu, có khoảng ba tỷ người không được sử dụng các cơ sở hạ tầng cấp nước cho sinh hoạt, rửa tay và vệ sinh cơ bản tại nhà. Thiếu tiếp cận với nước sạch rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng bị nhiễm bệnh đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt đối với những người sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn ở nông thôn, cũng như các khu định cư đô thị không chính thức (khu nhà ổ chuột, nhà khu dân cư tự phát…).
Tiếp cận với nước an toàn là một nội dung chính yếu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 6 (SDGs 6) về nước và vệ sinh môi trường. Do vậy, các thành viên và đối tác của UN-Water đang cam kết các hoạt động nhằm hướng tới các mục tiêu của Khung tăng tốc các mục tiêu thiên niên kỉ toàn cầu SDGs 6, tiến tới thống nhất mục tiêu trên quy mô cộng đồng quốc tế và cung cấp kết quả nhanh chóng ở các quốc gia như một phần của Thập kỷ hành động để hướng tới SDGs 2030. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đang làm việc để đưa ra các mục tiêu này thông qua liên minh nước và khí hậu, trong đó tập trung vào các hoạt động như: Huy động nguồn tài chính; tăng cường dữ liệu và thông tin, quản trị; phát triển năng lực cũng như thực hiện cải tiến, đổi mới đáp ứng với sự thay đổi của thời đại.
Theo đó, Ngày Nước Thế giới và Ngày Khí tượng Thế giới năm 2020 tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khuyến khích tính đoàn kết toàn thế giới nhằm đảm bảo tính an toàn trong nỗ lực chống đại dịch Covid – 19. Cùng với đó, mỗi quốc gia, người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện những hành động về biến đổi khí hậu, nước và vệ sinh môi trường.