Báo cáo, Các giới hạn Khả năng Sống sót - Mối đe dọa đang nổi lên từ ảnh hưởng của khói bụi đến sức khỏe do cháy rừng và biến đổi khí hậu, với các nghiên cứu thực tế tại Australia, Brazil và Canada, cảnh báo rằng, các chính phủ trên toàn thế giới cần phải chuẩn bị hệ thống y tế công để giúp người dân đối phó với các tác động của đợt ô nhiễm không khí định kỳ từ hỏa hoạn gây ra bởi khủng hoảng khí hậu, nạn phá rừng và công tác quản lý đất đai kém hiệu quả.
Bà Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu cho biết: Với các vụ cháy rừng do khí hậu nóng lên trên khắp thế giới, những gì chúng ta đang thấy là những điều sau khi ngọn lửa cuối cùng đã được dập tắt và máy quay TV đã tắt, trong khi đó ngày càng có nhiều người gặp rủi ro từ hậu quả lâu dài của cháy rừng. “Các chính phủ đang ngày càng phải phải đối mặt nhiều hơn với các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng do ô nhiễm không khí từ cháy rừng và khói bụi của các đám cháy, không chỉ có Australia, Brazil và Canada, mà trên toàn thế giới, cần phải chuẩn bị cho cả cộng đồng và hệ thống y tế của mình để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người có bệnh lý về hô hấp, trẻ em, người già, và những người chịu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm không khí”, bà nói tiếp.
Báo cáo Các giới hạn Khả năng Sống sót cho chúng ta thấy là biến đổi khí hậu, các tác động khí hậu và sức khỏe đều có liên hệ mật thiết với nhau, và các nhà hoạch định chính sách phải đặt mối quan tâm về sức khỏe lên hàng đầu khi thiết lập các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu - bao gồm các cam kết quốc gia theo Thỏa thuận Paris, còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). “Việc thực hiện cả biện pháp giám sát có hệ thống và giảm thiểu ô nhiễm không khí do cháy rừng phải đi đôi với việc giảm thiểu các nguyên nhân gây cháy rừng và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia của những nước đang trải qua những vụ cháy rừng tồi tệ nhất, phải từng bước hạn chế sự nóng lên toàn cầu thông qua các hành động khẩn trương vì khí hậu”, bà Miller kết luận.
Tiến sĩ Frances MacGuire, Chuyên gia tư vấn của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu, tác giả chính của báo cáo cho biết: "Tác động gây thiệt hại thảm khốc từ các vụ cháy rừng gần đây ở Australia, Amazon và Canada không chỉ do cháy rừng mà còn do khói bụi tồn tại kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, dẫn đến những sự kiện mà mọi người chưa từng chứng kiến".
“Các tác động ngắn hạn đến sức khỏe do khói bụi cháy rừng hiện đã được ghi nhận đầy đủ nhưng chúng ta vẫn chưa biết rõ tác động lâu dài của việc tiếp xúc lâu với môi trường này. Rõ ràng là có những lỗ hổng lớn trong nghiên cứu để hiểu được đầy đủ tác động đến sức khỏe từ khói bụi do cháy rừng gia tăng khi thế giới đang nóng lên, và có cả lỗ hổng trong các dịch vụ y tế sơ cấp và thứ cấp”, MacGuire nói tiếp.