Sáng ngày 10/4, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tham dự cuộc họp trực tuyến tại các đầu cầu có đại diện Lãnh đạo Tổng Cục Khí tượng thủy văn, Tổng Cục môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước và một số đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, nội dung quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước (TNN), trong đó, xây dựng và duy trì mạng lưới quan trắc TNN là một trong những hoạt động của điều tra cơ bản TNN (Điểm d, Khoản 1, Điều 12 Luật tài nguyên nước) và gồm mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của Trung ương và của địa phương (Khoản 1, Điều 9, Nghị định 201/2013/NĐ-CP). Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức lập QH mạng lưới trạm quan trắc TNN trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Khoản 2 Điều 9 Nghị định 201/2013/NĐ-CP).
Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 90/2016/QĐ-TTg năm 2016 Quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên và môi trường (Quy hoạch 90). Theo quy hoạch này, các trạm quan trắc TNN Trung ương bao gồm: 56 trạm quan trắc TNN mặt độc lập, 113 trạm TNN mặt lồng ghép với trạm thủy văn; 71 trạm, 778 điểm và 1.557 công trình quan trắc TNN dưới đất; mạng địa phương chưa đưa vào quy hoạch.
Cụ thể, tổng số các trạm quan trắc trung ương đến thời điểm hiện tại đã xây dựng, vận hành và đang thực hiện đầu tư bao gồm: 26 trạm quan trắc TNN mặt độc lập/56 trạm theo Quy hoạch 90 (46%), 19 trạm quan trắc TNN mặt lồng ghép với trạm thủy văn/113 trạm theo Quy hoạch 90 (17%); 52/71 trạm, 493/779 (63%) điểm, 1.061/1.545 (69%) công trình theo Quy hoạch 90.
Mạng quan trắc do địa phương thực hiện: thống kê sơ bộ, hiện có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng vận hành trạm quan trắc TNN của tỉnh, các công trình quan trắc chủ yếu là quan trắc nước dưới đất với tổng số khoảng 500 công trình quan trắc nước dưới đất.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến báo cáo tại cuộc họp
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, theo dự thảo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiệm vụ quy hoạch sẽ tập trung vào duy trì vận hành mạng quan trắc TNN quốc gia đã và đang đầu tư xây dựng; tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các trạm quan trắc TNN mặt (30 trạm độc lập và 94 trạm kết hợp trạm thủy văn), trạm quan trắc TNN dưới đất (19 trạm, 286 điểm, 484 công trình) thuộc danh sách trạm quan trắc TNN đã được phê duyệt tại Quy hoạch 90; và các trạm quan trắc thuộc mạng quan trắc TNN của các địa phương đã được phê duyệt.
Đồng thời, Quy hoạch cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh, bổ sung các trạm quan trắc TNN độc lập, kết hợp với trạm thủy văn để đảm bảo việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các nguồn nước mặt liên quốc gia, liên tỉnh và các nguồn nước nội tỉnh quan trọng; các trạm quan trắc mực nước, chất lượng nước của các tầng chứa nước liên tỉnh hoặc có tiềm năng lớn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại cuộc họp, để hoàn thiện mạng quan trắc, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cũng kiến nghị 2 phương án thực hiện. Phương án 1, mạng quan trắc gồm: Danh mục trạm nước mặt độc lập đã đang xây dựng và rà soát bổ sung các trạm độc lập chưa thực hiện (vị trí chi tiết đến xã-không đưa vị trí tọa độ); danh mục trạm nước dưới đất đã đang xây dựng và rà soát bổ sung các trạm độc lập chưa thực hiện (vị trí chi tiết đến xã-không đưa vị trí tọa độ); Trạm quan trắc địa phương chỉ đưa vào sông cần quan trắc, mục đích quan trắc (dựa theo đề xuất của Sở TNMT các tỉnh). Phương án 2, mạng quan trắc gồm: nội dung như Phương án 1 và bổ sung thêm Danh sách trạm Thủy văn kết hợp TNN; môi trường kết hợp TNN. Phương án này, Cục sẽ làm việc cụ thể với Tổng cục Môi trường và Tổng cục Khí tượng thủy văn để thực hiện rà soát.
Góp ý kiến tại cuộc họp, ông La Đức Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cũng cho rằng, các quy hoạch như: Quy hoạch điều tra cơ bản TNN, quy hoạch khí tượng thủy văn và quy hoạch môi trường đều là những quy hoạch chuyên ngành, nằm trong quy hoạch tổng thể chung của ngành tài nguyên và môi trường. “Tổng Cục KTTV cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo các đơn vị phối hợp, cùng rà soát, xem xét lồng ghép các nội dung, lĩnh vực quan trắc để tránh sự chồng chéo, lãng phí ” – ông La Đức Dũng đề xuất.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho rằng, hiện nay, lĩnh vực KTTV và Môi trường cũng đang triển khai xây dựng mạng lưới quan trắc. Theo ông Thức, nên có sự phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát lại các trạm, trên cơ sở đó lồng ghép ngay từ công tác quy hoạch.
Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã đề xuất một số nhiệm vụ điều tra cơ bản TNN. Trước mắt, cần hoàn thành việc điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước dưới đất cho 16 lưu vực sông tỷ lệ 1/250.000. Ưu tiên điều tra, đánh giá TNN, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước cho các lưu vực sông theo thứ tự lập quy hoạch tổng thể lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh tại Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch tổ chức lập quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT, gồm: Cửu Long; Đồng Nai; sông Ba; sông Mã; Vu Gia - Thu Bồn; sông Hương; sông Cả; Trà Khúc; sông Kôn – Hà Thanh.
Bên cạnh đó, ông Triệu Đức Huy cũng đã có những ý kiến góp ý liên quan đến mục tiêu và các nhiệm vụ quy hoạch, các danh mục các hoạt động điều tra cơ bản để làm khung cho các nhiệm vụ đặc thù, đột xuất; bổ sung xác định các nhiệm vụ ưu tiên, các nhiệm vụ đột xuất và các nhiệm vụ liên quan đến khuyến nghị của Ngân hàng thế giới nêu tại Báo cáo của Nghiên cứu độc lập “Việt Nam - Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” được công bố tháng 5/2019.
Quang cảnh cuộc họp
Đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính cho rằng, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng trên cơ sở tiếp cận quá trình xây dựng Quy hoạch 90. Do đó, nên lồng ghép theo hướng quan trắc các lĩnh vực khí tượng thủy văn - môi trường - tài nguyên nước đối với các trạm nâng cấp và lắp đặt mới. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện cần xem xét, rà soát lại tất cả các dự án, đề án về điều tra cơ bản tài nguyên nước đã và đang được thực hiện. Việc thực hiện Quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, sử dụng hiệu quả kết quả của những nghiên cứu trước, tránh trùng lặp gây lãng phí ngân sách.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao ý kiến trao đổi thẳng thắn, cụ thể trên cơ sở khoa học của các đại biểu tham dự cuộc họp.
Thứ trưởng cho rằng quy hoạch điều tra cơ bản của bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có quy định chung, phương pháp, phân loại, phân cấp và cần có danh mục công việc cần làm, các trạm quan trắc. Bộ TN&MT cũng đã qua hai kỳ làm quy hoạch quan trắc tài nguyên và môi trường. Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành quy định Luật Quy hoạch. “Cục Quản lý tài nguyên nước cần chủ trì, đưa ra lộ trình xây dựng, gắn vấn đề quy hoạch trạm vào quá trình xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh” – Thứ trưởng chỉ đạo.
Thứ trưởng cũng cho rằng, quy hoạch điều tra cơ bản cần làm song song với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh. Cục Quản lý tài nguyên nước cần đưa ra lộ trình gắn với hai quy hoạch trên.
Thứ trưởng kỳ vọng quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước sẽ cụ thể, thiết thực, là cơ sở cho kế hoạch trung hạn trong 5 năm, đường hướng trong 10 năm, 20 năm tới về công tác tài nguyên nước và cho chúng ta thêm số liệu phục vụ kỳ tiếp theo của quy hoạch tài nguyên nước.
Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì tham mưu, báo cáo Bộ trưởng, Ban cán sự về chủ trương chung, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ về quy trình làm quy hoạch điều tra cơ bản; cách thức phối hợp, lồng ghép mạng lưới quan trắc các lĩnh vực do Bộ TN&MT quản lý.