Việc khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ như gây ô nhiễm, xâm nhập mặn, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất
Trong tháng 4/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Công văn số 1739/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ đề nghị báo cáo việc khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, việc khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương thuộc đồng bằng Sông Cửu Long và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ như gây ô nhiễm, xâm nhập mặn, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất... và có nguy cơ gây sụt lún bề mặt đất.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác nước dưới đất, trong đó có việc khai thác, sử dụng nước dưới đất (bao gồm cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn) để phục vụ nuôi trồng thủy sản, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn nêu trên, bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên tập trung chỉ đạo việc quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước dưới đất trên địa bàn, nhất là hoạt động khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Việc khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ như gây ô nhiễm, xâm nhập mặn, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất
Đồng thời, chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số công việc sau:
Một là, rà soát, thống kê các công trình (giếng khoan) khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó tổng hợp số liệu khai thác nước dưới đất trên địa bàn, gồm: tổng số giếng khoan, tổng lưu lượng khai thác và các thông tin, số liệu cơ bản về chiều sâu mực nước động trong giếng, tình hình hạ thấp mực nước dưới đất trong khu vực... và các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sụt lún bề mặt đất. Việc tổng hợp thông tin, số liệu nêu trên cần được thực hiện đối với từng đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.
Hai là, trên cơ sở kết quả tổng hợp thông tin, số liệu nêu trên tiến hành phân tích, đánh giá và lập báo cáo về tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung làm rõ hiện trạng khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản, những vấn đề về hạ thấp mực nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn, sụt lún bề mặt đất (nếu có) do khai thác nước dưới đất để nuôi trồng thủy sản gây ra và những đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Bộ TN&MT cũng đề nghị các đơn vị báo cáo bằng văn bản tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh gửi về Bộ TN&MT (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) trước ngày 30/5/2019 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chi tiết công văn 1739/BTNMT-TNN xin mời xem
Tại đây