Thông tư quy định quy trình xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh và kế hoạch cấp nước an toàn công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có công suất từ 100m3/ngày đêm trở lên; việc thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình khu vực nông thôn.
Theo đó, Thông tư áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình khu vực nông thôn.
Nguyên tắc bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn là đảm bảo số lượng, chất lượng nước cấp và chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững công trình; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh, giảm thiểu các bệnh lây truyền qua đường nước; giảm tỷ lệ thất thoát nước, tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường, sinh thái.
Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh gồm: Yêu cầu cơ bản của công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bảo đảm cấp nước an toàn; Xây dựng và phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh; Điều chỉnh kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh.
Cụ thể, nội dung Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh như sau: 1- Sự cần thiết phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn; 2- Thực trạng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn cấp tỉnh; 3- Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; 4- Nội dung và giải pháp thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; 5- Danh mục công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh theo mẫu; 6- Kinh phí thực hiện; 7- Trách nhiệm thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Đối với kế hoạch cấp nước an toàn đối với từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bao gồm: Phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn đối với từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; Kiểm tra, đánh giá nội bộ; Kiểm tra, đánh giá độc lập; Quy trình kiểm soát và ứng phó trong trường hợp công trình cấp nước nông thôn tập trung gặp sự cố.
Cụ thể, nội dung lập kế hoạch cấp nước an toàn đối với từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung như sau: (1) Mô tả và đánh giá hiện trạng công trình cấp nước; (2) Đánh giá nội dung nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra đối với công trình cấp nước; (3) Xây dựng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục sự cố bổ sung và lập kế hoạch cải thiện từng bước; (4) Xây dựng kịch bản, quy trình kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố trong trường hợp vận hành mất kiểm soát; (5) Xây dựng chương trình kiểm tra, đánh giá hiệu quả các biện pháp kiểm soát và kế hoạch cấp nước an toàn; (6) Xây dựng, quản lý dữ liệu về kế hoạch cấp nước an toàn.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về thu, trữ và xử lý nước an toàn hộ gia đình khu vực nông thôn và tổ chức thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/2/2023.