Bảo vệ môi trường nước là bảo vệ chúng ta
Thứ năm - 17/09/2009 22:42
Bảo vệ môi trường nước là bảo vệ chúng ta
Nước là một loại tài nguyên quý giá và được coi là vĩnh cửu, không có nước thì không có sự sống trên hành tinh của chúng ta; nước trong khí quyển được xem như tấm áo giáp bảo vệ trái đất khỏi bị lạnh giá trong thời kỳ bức xạ mặt trời giảm đi, đảm bảo tưới cho bề mặt lục địa và làm cho khí hậu điều hòa hơn; đồng thời cũng là động lực chủ yếu chi phối mọi hoạt động dân sinh, kinh tế của con người.
Tài nguyên nước bao gồm các nguồn nước mặt, nước mưa, nước dưới đất, nước biển được sử dụng rộng rãi trong sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, giao thông vận tải, chăn nuôi thủy sản, sinh hoạt ... Trong nước có một số tính chất chất vật lý do nhiễm các chất phóng xạ tự nhiên, thường nước này vô hại đôi khi có thể dựng để chữa bệnh. Nhưng nếu chỉ tiêu này bị nhiễm bởi các chất phóng xạ từ nước thải, không khí, từ các chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép thì rất nguy hiểm đến sức khỏe con người. Các tính khác của nước như độ PH,độ axít,độ cứng, Clorua (Cl-), Sắt tuy không gây độc hại đến sức khỏe con người nhưng làm cho người sử dụng nước cảm thấy khó chịu khi độ kiềm cao, nước nổi váng màu vàng có mùi tanh khi độ sắt cao. Riêng đối với thành phần Sunfat cao sẽ có vị chua, gây bệnh tiêu chảy; Florua lớn hơn 1,3mg/l hoặc nhỏ hơn 0,7mg/l đều dễ mắc bệnh hư hại men răng. Các thành phần độc hại khác như asen, berili, cadimi, xyanua, crôm, thủy ngân, niken, chì, antimoan, selen, vanadichỉ tồn tại trong nước với một hàm lượng rất nhỏ cũng đủ gây độc hại đến tính mạng con người, thậm chí gây tử vong các chất này thường có trong nước thải của các nhà máy công nghiệp, làng nghề hoạt động có sử dụng hóa chất. Riêng chỉ tiêu COD, BOD là chỉ tiêu đánh giá khả năng tự làm sạch của nguồn nước, BOD càng cao chứng tỏ mức độ ô nhiễm càng nặng.
Đất nước ta đang trong thời kỳ CNH-HĐH, song song với nó là tốc độ đô thị hóa khá nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với môi trường tài nguyên nước. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tại các thành phố lớn hiện nay nước thải sinh hoạt cũng không được xử lý, độ ô nhiễm nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, các thông số chất lơ lửng (SS), BOD, COD, Oxy hòa tan (DO) đều vượt từ 5 -10 lần, thậm chí vượt quá 20 lầntiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân chủ yếu của sự ô nhiễm trên là do việc các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; các bệnh viện và các cơ sở y tế không có hệ thống xử lý tập trung mà xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận (Sông, hồ, kênh, mương...). Đáng chú ý là nhận thức không đầy đủ của cấp ủy chính quyền, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đã chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Các chủ doanh nghiệp khi đầu tư thì chỉ chú trọng các hạ mục đầu tư cho sản xuất, còn hạ mục xử lý chất thải nói chung và xử lý nước thải nói riêng thì thường bị xem nhẹ. Thậm chí không ít nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không vận hành hoặc vận hành rất hạn chế để giảm thiểu chi phí sản xuất.
Bảo vệ nguồn tài nguyên nước là bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá, là bảo vệ chính nguồn sống của chúng ta! Để làm tốt công tác này đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của cộng đồng, mà trong đó việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó làm cho nhân dân hiểu rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở đó, cần phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng tiêu chí về môi trường vào đánh giá hoạt động của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gia đình, làng, bản, khu phố, tập thể, cá nhân, đảng viên, đoàn viên, hội viên; công bố công khai những tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý. Đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất thải, nhất là các chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ, y tế, nghiên cứu khoa học; chấm dứt nạn đổ phế liệu, xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, hồ ao. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Không đưa vào vận hành, sử dụng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị, công trình, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất mới không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân về bảo vệ môi trường, chủ động phát hiện nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường để có kế hoạch phối hợp phòng ngừa có hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát hiện kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng.
Nguồn tin: Nguyễn Đức Trung - TN