Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực
Chủ nhật - 07/06/2009 00:38
Nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL trong tương lai sẽ bị suy kiệt bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
ĐBSCL sẽ là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu: Nước biển dâng cao hơn làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt trở thành vùng nước lợ; hàng triệu người có nguy cơ mất chỗ ở; chế độ thủy văn dòng chảy thay đổi và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Ủy ban Con người - Sinh quyển của UNESCO, Trường ĐH Cần Thơ, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã tổ chức diễn đàn hằng năm với chủ đề “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL” vào ngày 5-6, tại TP Cần Thơ.
Mục tiêu chung của diễn đàn là nhằm tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng kế hoạch hành động về quản lý, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL. Qua đó, bảo đảm sinh kế của người dân nông thôn và bảo tồn tính toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực.
Đất và rừng ĐBSCL sẽ bị suy kiệt
Theo báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo VN sẽ là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là tác động của sự dâng cao mực nước biển. Ở VN, ĐBSCL sẽ là vùng bị ảnh hưởng mạnh nhất, nước biển dâng cao hơn sẽ làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt hiện nay trở thành vùng nước lợ; hàng triệu người sẽ có nguy cơ bị mất chỗ ở, từ đó làm gia tăng sức ép lên sự phát triển của các vùng lân cận; làm thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước.
Trước thực trạng trên, các đại biểu dự diễn đàn đã tỏ ra quan ngại về việc làm cách nào đối phó, khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất trước sự biến đổi khí hậu để giảm sự tổn thất về người và của trong tương lai.
Ông Lê Anh Tuấn, Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ), đã đưa ra một số nhận định về việc tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL trong tương lai. Theo đó, biến đổi khí hậu sẽ gây tác động qua lại liên quan đến sự suy giảm chất lượng tự nhiên, kinh tế và xã hội. Vấn đề này góp phần làm thay đổi cán cân thực phẩm trong sinh quyển, làm mất tính đa dạng sinh học, đất và rừng bị suy kiệt. Nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước sẽ bị đe dọa ảnh hưởng. Sự bền vững trở nên mong manh hơn, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng cũng sẽ có một số côn trùng (như muỗi) sẽ gia tăng số lượng. Diện tích canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Điều này có thể dẫn đến đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản sẽ bị xâm lấn, khai thác tận thu và hủy hoại.
Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng
Ngoài việc chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, môi trường ĐBSCL hiện đang bị đe dọa hết sức nghiêm trọng.
Ông Phạm Đình Đôn, Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Nam Bộ, đưa ra những số liệu thống kê cho thấy phân bố dân số ở nông thôn ĐBSCL khá phân tán theo các hệ canh tác nông - lâm - ngư, theo các hệ thống giao thông thủy bộ hoặc tập trung thành các cụm dân cư thị trấn, thị tứ..., với hạ tầng cơ sở về vệ sinh môi trường còn rất thấp kém; vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường ngày càng trở nên bức xúc. Tổng lượng nước thải sinh hoạt ở nông thôn ĐBSCL hiện khoảng 38,3 triệu m3/năm, rác thải sinh hoạt khoảng 12,7 triệu m3/năm... Hầu hết các chất thải này chưa được xử lý triệt để. Song song đó, sản xuất lúa mỗi năm thải ra khoảng 17,4 triệu tấn rơm rạ phế thải; 0,07 triệu tấn trấu; chất thải chăn nuôi trâu, bò thải ra khoảng 0,85 triệu tấn; chăn nuôi heo khoảng 21,22 triệu tấn; chất thải trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm khoảng 199.100 tấn...
Cũng theo ông Đôn, các nguồn nước thải nhiễm bẩn hữu cơ và các vi khuẩn gây bệnh phát sinh trong chăn nuôi, gia súc, gia cầm chưa qua xử lý vừa có tác hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân vừa là nguồn lây lan dịch bệnh ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, trong canh tác nông - lâm - ngư nghiệp, người dân sử dụng ngày càng nhiều chất hóa học, sinh học. Tổng lượng bùn thải và chất nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL khoảng 456 triệu m3/năm, hầu hết chưa được xử lý và phân bố rộng khắp khu vực.
Ngoài ra, tài nguyên nước bề mặt trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển ở ĐBSCL đã có dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và vi sinh.
Nguồn tin: Đức Khánh - Người lao động 6/6/2--9