Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Tài nguyên nước

Bình Dương: Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Thứ sáu - 08/04/2016 08:45
Hướng dẫn trám lấp giếng hư hỏng nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất

Hướng dẫn trám lấp giếng hư hỏng nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.

Hiện trạng khai thác, sử dụng
 
Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương khá phong phú, với 4 sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông Thị Tính, mật độ sông suối khá dày từ 0,7 km/km2 đến 0,9 km/km2 tại thượng nguồn và giảm xuống còn 0,4 km/km2 đến 0,5km/km2 ở hạ nguồn. Tổng lượng nước mặt có thể khai thác từ các sông lớn và các hồ chứa khoảng 27,5 tỷ m3/năm.
 
Nguồn nước mặt đang được khai thác phục vụ cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu được khai thác từ sông Đồng Nai và một phần nhỏ khai thác từ sông Sài Gòn, với công suất khai thác sông Đồng Nai khoảng 72,27 triệu m3/năm, sông Sài Gòn khoảng 7,9 triệu m3/năm. Tổng lượng nước mặt đang được khai thác, sử dụng hiện nay khoảng 590.300 m3/ngày đêm, tương đương 215 triệu m3/năm.
 
Bình Dương có điều kiện địa chất thủy văn tương đối đơn giản, với 06 tầng chứa nước chính, phù hợp với cấu trúc địa chất của vùng. Độ sâu của các tầng chứa nước không lớn, phổ biến từ 20 đến 100m rất thuận lợi để khoan khai thác, sử dụng nước dưới đất. Theo tính toán tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 2.180.000 m3/ngày đêm, tương đương  khoảng 797 triệu m3/năm.
 
Hiện nay, đa số các hộ gia đình và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều có giếng khoan khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cho các nhu cầu sử dụng khác nhau. Theo kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 186.400 giếng khoan bao gồm cả giếng khoan hộ gia đình và giếng khoan của doanh nghiệp, với tổng lượng nước khai thác là 361.600 m3/ngày, tương đương 132 triệu m3/năm.
 
Theo nhận xét của Sở TN&MT Bình Dương, tỷ lệ khai thác, sử dụng nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn tỉnh chưa cân đối. Trữ lượng nước mặt lớn hơn nước dưới đất nhiều lần nhưng tỷ lệ khai thác nước dưới đất chiếm gần 40% tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng. Cụ thể, nguồn nước mặt với trữ lượng khoảng 27.542 triệu m3/năm nhưng chỉ được khai thác khoảng 215 triệu m3/năm, trong khi trữ lượng nước ngầm khoảng 797 triệu m3/năm nhưng được khai thác đến 132 triệu m3/năm.
 
Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương khá phong phú về trữ lượng, tuy nhiên chưa được khai thác tối đa và cũng chưa có giải pháp phân bổ, khai thác sử dụng, bảo vệ và phòng chống tác hại do nước gây ra. Nguồn nước dưới đất đang được khai thác tuy chưa vượt quá trữ lượng tiềm năng nhưng mức độ khai thác phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị phía Nam tỉnh. Điều này đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất tại một số khu vực.

Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
 
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Sở TN&MT Bình Dương đã chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm quản lý tài nguyên nước đến từng cấp cơ sở cho các cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường cấp huyện, cấp xã. Qua đó, đã nắm được thực trạng và góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
 
Song song đó, thực hiện hoàn chỉnh đề án “Xác định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng đăng ký khai thác nước dưới đất trên toàn tỉnh Bình Dương” làm cơ sở để phục vụ công tác quy hoạch tài nguyên nước và để kiểm soát, hạn chế tình trạng khai thác tràn lan nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất; hoàn tất các thủ tục pháp lý về đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện đề án “Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và triển khai thực hiện hoàn chỉnh, nghiệm thu.
 
Ngoài ra, xây dựng đề cương và chuẩn bị thủ tục pháp lý để thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá tác động những nguồn thải có khả năng gây ô nhiễm chất lượng nước dưới đất và đề xuất giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương” và đề án “Lập danh mục bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh”; thành lập Ban Quản lý dự án để thực hiện các thủ tục lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng trạm thủy văn trên sông Sài Gòn” tại thị xã Thuận An.
 
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Bình Dương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của UBND tỉnh Bình Dương về việc tăng cường năng lực quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; thực hiện theo Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên toàn tỉnh với lộ trình, giải pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và hạn chế tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
 
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật, tập huấn chuyên môn về tài nguyên nước; tăng cường phối hợp với cấp huyện, cấp xã trong công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước; thường xuyên nhắc nhở, hỗ trợ cấp huyện triển khai công tác trám lấp giếng hư hỏng, công tác đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước theo Quyết định số 44 của UBND tỉnh Bình Dương quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi