Khu vực Trung Trung Bộ (TT.Bộ) từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có địa hình rất phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai có tại nước ta. Bão, lũ là hai hiện tượng thiên tai nguy hiểm, xuất hiện thường xuyên nhất. Với dải bờ biển dài hơn 500km (Quảng Bình - Quảng Ngãi), là nơi bão thường xuyên đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là vào thời gian từ tháng IX-XII hàng năm.
Khu vực TT.Bộ có mạng lưới sông suối rất phức tạp, các sông đều bắt nguồn từ những vùng núi cao của dãy Trường Sơn và đổ ra biển Đông. Trên toàn khu vực có 4 hệ thống sông lớn: Hệ thống sông Gianh, hệ thống sông Hương, hệ thống sông Thu Bồn- Vu Gia và hệ thống sông Trà Khúc, vào mùa lũ các hệ thống sông này cùng các hệ thống sông nhỏ khác thường gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng hạ lưu và lũ quét vùng thượng lưu. Hầu hết các sông ở khu vực TT.Bộ đều ngắn và có độ dốc lớn, dòng chảy lũ thường rất ác liệt.
TÌNH HÌNH HỒ CHỨA
Trong những năm gần đây, hệ thống hồ chứa thủy điện tại khu vực Trung Trung Bộ phát triển khá mạnh, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Các hồ chứa thủy điện lớn tập trung chủ yếu tại tỉnh Thừa Thiên Huế (trên lưu vực sông Hương) và tại tỉnh Quảng Nam (trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn). Khái quát về một số hồ chứa lớn thuộc lưu vực sông Hương, Vu Gia- Thu Bồn và sông Trà Khúc như sau:
Lưu vực sông Hương (TT-Huế)
Lưu vực sông Hương có 3 hồ chứa lớn: hồ Hương Điền, hồ Bình Điền và hồ Tả Trạch.
Hồ thuỷ điện Hương Điền được xây dựng trên sông Bồ (hệ thống sông Hương), thuộc địa phận xã Hương Vân, thị xã Hương Trà. Công trình này được xây dựng với độ cao đập chính là 61.5m, độ cao xả tràn là 42,75m; dung tích hữu ích: 820,66 triệu m3; diện tích lưu vực khống chế 707km2;
Hồ Bình Điền thuộc địa bàn xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hồ được thiết kế có đập dâng với cao trình 87m, cao trình ngưỡng tràn 73m; dung tích hữu ích: 344,39 triệu m3. Hồ có diện tích lưu vực là 515km2, bắt đầu tích nước vào ngày 01/08/2008.
Hồ Tả Trạch được khởi công ngày 26/11/2005 trên sông Tả Trạch (nhánh chính của hệ thống sông Hương), với diện tích lưu vực 717 km2, chiều cao đập lớn nhất là 56m, dung tích hồ là 509,8 triệu m3.
Lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn (Quảng Nam)
Lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn là lưu vực có nhiều hồ chứa thủy điện nhất trong khu vực TT.Bộ. Các hồ chứa lớn hiện nay là hồ A Vương, ĐakMi 4, Sông Tranh 2 và Sông Bung 4. Đặc tính một số hồ như sau:
- Thủy điện A Vương có công trình đầu mối trên sông A Vương (lưu vực sông Vu Gia), thuộc địa phận xã Dang, huyện Tây Giang và xã MaCooi, huyện Đông Giang. Thuỷ điện A Vương có dung tích 343.55 triệu m3, với cao trình đập 383.4m; diện tích lưu vực 682km2.
- Thuỷ điện ĐakMi 4 được khai thác theo sơ đồ 2 bậc: bậc trên sử dụng nguồn nước của sông Đak Mi để tạo thành hồ chính trên sông Đak Mi và một đường hầm chuyển nước sang sông ngọn Thu Bồn. Bậc dưới sử dụng lại nguồn nước sau nhà máy Đak Mi 4 bậc trên và phụ lưu của sông ngọn Thu Bồn. Hồ ĐakMi 4 có diện tích lưu vực là 1125km2, mực nước dâng bình thường: 258m, mực nước trước lũ là 255m tương ứng với dung tích 281.31 triệu m3, mực nước dâng gia cường: 260.33m.
- Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc lưu vực sông Thu Bồn, trên địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lưu vực hồ chứa Sông Tranh 2 có diện tích là 1100km2. Hồ chứa được thiết kế với mực nước dâng bình thường: 175m, mực nước dâng gia cường: 178.51m; tổng dung tích hồ: 729.2 triệu m3. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2006, và bắt đầu phát điện đầu tiên từ ngày 19 tháng 12 năm 2010.
Lưu vực sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)
Các hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc tham gia vận hành liên hồ hiện nay là hồ Đakđrinh và hồ Nước Trong.
- Hồ ĐakĐrinh có công trình đập tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Đập khống chế lưu vực với diện tích 420km2, tạo ra hồ chứa có dung tích 249.29 triệu m3; cao trình mực nước dâng bình thường 410m. Hồ Đakđrinh có phần lớn diện tích lưu vực thuộc địa phận tỉnh KonTum.
- Hồ Nước Trong xây dựng trên sông Nước Trong, phụ lưu tả ngạn sông Trà Khúc. Công trình đầu mối nằm trên địa bàn xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 62km về phía Tây, cách thị trấn Sơn Hà khoảng 12km về phía Tây– Tây Bắc. Vùng lòng hồ gồm 2 xã của huyện Sơn Hà (Di Lăng và Sơn Bao ) và 4 xã của huyện Tây Trà (Trà Phong, Trà Xinh, Trà Trung và Trà Thọ).
CÔNG TÁC DỰ BÁO KTTV PHỤC VỤ VẬN HÀNH LIÊN HỒ
Mạng lưới trạm
Mạng lưới trạm quan trắc KTTV cơ bản hiện nay còn khá thưa, đặc biệt là tại các lưu vực lòng hồ. Cụ thể:
- Hệ thống hồ chứa sông Hương: có 1 trạm khí tượng, 1 trạm thủy văn trên lưu vực hồ Tả Trạch; lưu vực hồ Hương Điền chỉ có 1 trạm đo mưa và 1 trạm đo thủy văn; lưu vực hồ Bình Điền không có trạm đo KTTV. Vùng hạ lưu có 2 trạm thủy văn Phú Ốc và Kim Long.
- Hệ thống hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn: chỉ có 1 trạm đo mưa trên lưu vực hồ Sông Bung 4, 1 trạm đo mưa trên hồ ĐakMi4.
Như vậy, mạng lưới quan trắc KTTV cơ bản trên các lưu vực hồ chứa còn rất thưa, một số hồ chưa có mạng lưới quan trắc mưa, dòng chảy. Vấn đề này gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo thủy văn hồ chứa. Vùng hạ lưu các đập thủy điện cũng có quá ít trạm KTTV. Hầu hết các trạm đều nằm ở khá xa các đập.
Thông tin - dữ liệu
Có 2 hệ thống thông tin:
Một là, giữa hệ thống trạm đo KTTV- đơn vị dự báo KTTV;
Hai là, giữa hồ chứa - đơn vị dự báo KTTV
Hệ thống 1: hoạt động theo hệ thống chung của ngành KTTV, dữ liệu hiện nay chủ yếu được truyền từ các trạm về Đài KTTV qua Internet, VTĐ.
Hệ thống 2: chủ yếu qua Internet (Email), Fax.
Về dữ liệu: dữ liệu cung cấp từ các hồ chứa chưa thống nhất. Một số hồ có số liệu quan trắc mực nước, lưu lượng từng giờ; một số hồ chỉ có số liệu tại các obs chính (1,7,13,19h). Một số hồ có bản tin dự báo đầy đủ, nhưng một số hồ hiện cũng chỉ cung cấp một số thông tin- số liệu cần thiết.
Đánh giá về nguồn cung cấp dữ liệu từ các hồ chứa: cơ bản đáp ứng được phần nào cho cảnh báo, dự báo thủy văn hạ du.
Dự báo
Hồ chứa nói chung, hồ chứa thuỷ điện nói riêng là một trong những công trình làm thay đổi chế độ dòng chảy trên sông. Các công nghệ dự báo thủy văn trước đây không còn sử dụng được khi các hồ chứa đi vào hoạt động. Để dự báo phục vụ vận hành liên hồ chứa, công nghệ được sử dụng hiện nay chủ yếu là các mô hình thủy văn, thủy lực.
MỘT SỐ KHÓ KHĂN
Hiện nay, theo các Quyết định số 909/QĐ-TTg, 1463/QĐ-TTg và 1497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống hồ chứa trên sông Hương, sông Vu Gia- Thu Bồn và sông Trà Khúc đã có quy trình vận hành liên hồ. Các hồ vận hành theo quy trình sẽ đảm bảo các mục tiêu chính là đảm bảo an toàn công trình; góp phần giảm lũ cho hạ du; và đảm bảo hiệu quả cấp nước và hiệu quả phát điện.
Để đảm bảo vận hành hồ đúng theo quy trình và đạt được các mục tiêu trên, các nội dung của quy trình cần phải được thực hiện một cách đầy đủ; phối hợp giữa các đơn vị cần phải chặt chẽ và nhịp nhàng. Trong thời gian qua (từ khi thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ), hầu hết các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa, Đài KTTV khu vực TT.Bộ và các đơn vị liên quan đã có sự triển khai, phối hợp khá tốt. Các đơn vị đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm cao đối với công tác phòng chống lũ lụt tại các địa phương. Tuy nhiên cho đến nay, việc thực hiện các nhiệm vụ này vẫn còn gặp một số khó khăn sau:
- Các lưu vực hồ nằm trong khu vực có chế độ mưa rất phức tạp, mưa có cường độ lớn, phân bố rất không đều theo không gian và thời gian, trong khi mạng lưới trạm quan trắc còn quá thưa, chưa đáp ứng đầy đủ cho việc giám sát cũng như dự báo dòng chảy về hồ trong mùa mưa- lũ.
- Diện tích lưu vực hồ chứa ở TT.Bộ thường không lớn (khoảng 300-1200km2). Thời gian tập trung nước mưa trên lưu vực về lòng hồ rất nhanh- chỉ trong khoảng 0.5-2 giờ, nên để dự báo được trước 24 giờ diễn biến lưu lượng dòng chảy về hồ thì cần phải dự báo được lượng mưa. Trong khi hiện nay, công nghệ dự báo mưa cho khu vực nhỏ trước 24 giờ trên thế giới nói chung, tại nước ta nói riêng còn có những hạn chế nhất định. Điều này cũng làm cho việc vận hành hồ chứa bị lúng túng trong thời gian mưa lũ diễn biến phức tạp.
- Hệ thống trạm quan trắc mưa tại một số hồ chứa chưa được đầy đủ, kỹ thuật quan trắc, truyền tin phục vụ dự báo còn chưa đồng bộ cũng đã gây không ít khó khăn cho dự báo thủy văn phục vụ vận hành liên hồ.
KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Để khắc phục, giảm bớt những khó khăn, tồn tại trong công tác dự báo, vận hành liên hồ chứa, trước mắt cần tiến hành các nhiệm vụ sau:
- Các hồ chứa cần xây dựng mạng lưới trạm quan trắc mưa, dòng chảy đầy đủ, phân bố phù hợp trên lưu vực, đảm bảo cho việc giám sát tình hình mưa cũng như cung cấp thông tin cho công tác dự báo dòng chảy về hồ, tình hình lũ tại hạ du.
- Cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị vận hành hồ chứa và đơn vị dự báo KTTV trong việc cung cấp, trao đổi thông tin.
- Lũ hạ du các hồ thủy điện hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào quá trình dòng chảy từ các hồ đổ về. Vì vậy, các hồ chứa cần phải cung cấp chính xác, chi tiết và kịp thời về lưu lượng xả, chạy máy cho các đơn vị dự báo lũ. Khi có sự thay đổi lưu lượng xả đã dự kiến, cần phải thông tin ngay cho đơn vị dự báo lũ và các đơn vị liên quan.
- Cần tiếp tục đầu tư bổ sung, nâng cấp hệ thống trạm quan trắc KTTV trên toàn lưu vực (lòng hồ và hạ du); khảo sát, nghiên cứu phát triển công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa hạn ngắn, hạn vừa.