Lưu vực sông La Ngà có chiều dài 290 km, diện tích đất tự nhiên toàn bộ lưu vực là 4.100 km2, là một chi lưu lớn phía tả sông Đồng Nai, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh và Bảo Lộc (Lâm Đồng) chảy qua 69 xã của 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai.
Ở Bình Thuận sông La Ngà đi qua huyện Đức Linh với diện tích đất tự nhiên 535 km2, huyện Tánh Linh với diện tích đất tự nhiên 954km2 và một phần huyện Hàm Thuận Bắc (lưu vực suối Đan Sách của sông La Ngà với diện tích đất tự nhiên khoảng 150 km2). Như vậy tổng diện tích đất tự nhiên của lưu vực sông La Ngà tại Bình Thuận là 1.639 km2.
Phải nói rằng việc phát triển kinh tế xã hội trong vùng nhất là Đức Linh và Tánh Linh dựa rất nhiều vào khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên ở lưu vực sông La Ngà nhất là tài nguyên nước và cát xây dựng. Tuy nhiên thời gian gần đây việc khai thác sử dụng tài nguyên của lưu vực sông diễn ra khá phức tạp, chưa có sự gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Tình trạng khai thác cát bừa bãi gây sạt lở ở nhiều đoạn sông; tình trạng thải chất thải độc hại không qua xử lý các nhà máy sản xuất và việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp trên lưu vực sông khá nhiều làm nguồn nước ở nhiều đoạn sông bị ô nhiễm nặng nề…Tình hình đó đòi hỏi cần có những giải pháp cấp bách để ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ cải thiện môi trường và phát triển tài nguyên lưu vực sông.
Để làm được điều đó, thiết nghĩ trước hết cần phải có sự điều tra, đánh giá đầy đủ và phân loại hiện trạng các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp chống ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất đang hoạt động trên lưu vực sông yêu cầu phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải và phải được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép xả thải trước khi thải ra lưu vực sông. Kiên quyết di dời đưa ra khỏi lưu vực sông các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không có khả năng khắc phục, xử lý. Đối với các dự án xây dựng mới yêu cầu phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Dứt khoát không cho đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong khu vực.
Cần có giải pháp để kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh bảo đảm độ an toàn môi trường cao; hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt các hóa chất nguy hại, chất thải y tế. Hạn chế và khắc phục tình trạng khai thác cát bừa bãi trên lưu vực sông, cùng với đó triển khai các biện pháp phòng chống xói lở bờ sông.
Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác cát…giải pháp rất quan trọng là phải bảo vệ, phát triển tốt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bảo tồn đa dạng sinh học trên lưu vực sông và bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn Biên Lạc –Núi Ông.
Để việc bảo vệ môi trường lưu vực sông La Ngà một cách hiệu quả và bền vững cần tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước như đẩy mạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường. Tăng cường các hoạt động truyền thông để tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và phát triển tài nguyên lưu vực sông nhằm phục vụ an toàn cho sản xuất và đời sống của người dân trong vùng và vùng hạ lưu sông.