Giảm diện tích lúa - điều tất yếu phải làm?
Thứ sáu - 14/08/2009 06:02
Một cánh đồng khát cháy vì hạn hán ở ĐBSCL.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu nước là chuyện khó tin nhưng đang diễn ra. Nước ngầm cạn kiệt, biến đổi khí hậu, tác động của những dự án thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông, sử dụng tài nguyên nước lãng phí – tất cả đang làm cho nguy cơ thiếu nước ở vựa lúa lớn nhất nước ta là chuyện phải lo trong tương lai gần mà hệ lụy đầu tiên là phải tính toán khả năng giảm diện tích trồng lúa.
Nhiều đe dọa
Theo Giáo sư David Dapice, giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright, mực nước ngầm ở ĐBSCL đang khô cạn, người dân phải khoan sâu hơn trước, đồng thời gia tăng số lượng giếng mới đủ nước cho nhu cầu. Ông phân vân: “Liệu trong năm năm tới phải khoan sâu thêm bao nhiêu nữa? Rồi phải thêm bao nhiêu giếng?”.
Ông nói, điều đáng buồn là chưa có một công trình nghiên cứu nào về trữ lượng nước ngầm còn lại, dù lãnh đạo các địa phương vẫn biết chuyện nước ngầm đang cạn kiệt là sự thật. “Sự phục hồi của nguồn nước sẽ không kịp tốc độ khai thác. Khi mực nước giảm, chất lượng nước sẽ xuống cấp và việc bơm nước trở nên tốn kém hơn. Chỉ riêng điều này cũng có thể tạo một cú sốc lớn đối với hệ thống sản xuất hiện hữu”, ông khẳng định.
Một điều lo lắng nữa, cũng theo ông David Dapice: “Băng hà trên dãy Himalaya đang tan nhanh! Và trong vòng 5-10 năm tới, sẽ không có đủ nước xuống hạ nguồn”. Bên cạnh đó, hai năm tới Trung Quốc có thể hoàn thành thêm hai dự án đập thủy điện trữ nước, nâng lượng nước trữ lại từ 3 tỉ lên 40 tỉ mét khối. Chưa kể Thái Lan và Lào cũng đang có một số dự án làm thay đổi dòng chảy Mêkông. “Cũng chưa thấy có một nghiên cứu nào rõ ràng về tác hại của vấn đề này!”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, cán bộ Viện Địa lý tài nguyên TPHCM, khi Trung Quốc hoàn thành đập thủy điện Manwan vào năm 1993 và Dachaoshan vào năm 2003, quá trình vận chuyển phù sa về hạ lưu sông Mêkông đã bị ảnh hưởng đáng kể. Số liệu đo đạc từ năm 1993-2000 tại Chiang Saen (bắc Thái Lan) cho thấy, hàm lượng phù sa vận chuyển giảm 56%. Còn tại vùng ĐBSCL, lượng phù sa có thể giảm từ 70-80% do tác động của các đập thủy điện phía Trung Quốc...
Vì vậy, ông David Dapice cho rằng, ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt vào mùa khô và xâm ngập mặn sẽ gia tăng. “Phù sa giảm và mức độ tẩy rửa đất ít đi trong mùa mưa do lượng nước ngọt ít, khiến đất giảm màu mỡ và năng suất canh tác của vùng ĐBSCL sẽ giảm nhiều hơn nữa”, ông nói.
Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã tính toán chuyện giảm diện tích lúa ở ĐBSCL, theo đó từ nay đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 150.000 héc ta. Nhưng theo một số chuyên gia, không dễ để kiềm chế việc giảm diện tích ở mức ấy.
Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển tăng 1 mét, nhiệt độ tăng lên 2 độ C, vùng ĐBSCL sẽ có tới 1,5-2 triệu héc ta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể canh tác.
Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), lúa chỉ thích ứng được nuớc có độ mặn dưới 4 phần ngàn. “Nếu ở giai đoạn trổ, nước có độ mặn từ 4-5 phần ngàn thì xem như hạt lép sạch”, ông nói. Trong khi đó, vài năm gần đây, ở Cần Thơ cũng bị mặn xâm ngập vào mùa khô với độ mặn một phần ngàn.
“Khi đại dương ấm lên, càng có nhiều năng lượng cho các cơn bão. Những cơn giông từ bão nhiệt đới có thể đi một khoảng cách xa. Nếu hiện tượng này làm nước mặn xâm thực vào đồng lúa và ao hồ thì sản lượng nuôi trồng sẽ giảm và thiệt hại kéo dài nếu không có nước ngọt rửa đất”, ông David Dapice nói thêm.
Diện tích lúa tất yếu phải giảm
Từ những lý do trên, ông Dapice cho rằng “tiếp tục duy trì chính sách bảo tồn đất trồng lúa sẽ làm tăng nghèo ở nông thôn khi năng suất giảm. Điều cần làm đầu tiên là xác định mức độ nghiêm trọng của những vấn đề liên quan đến nước, sau đó kiến nghị Trung ương thay đổi chính sách. Tập trung trồng lúa không giải quyết được vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu”, ông nói.
“Nếu hơn 10 năm trước, nói vùng ĐBSCL sẽ thiếu nước, có thể bị cho là điên! Nhưng bây giờ, thiếu nước là chuyện đang đến gần. Nền kinh tế quá lệ thuộc vào nước, nhưng lại thiếu sự phối hợp giữa các ngành, thậm chí các địa phương lại cạnh tranh với nhau về diện tích chứ không chịu hợp tác”, ông Nguyễn Minh Thông, từng là Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Cần Thơ, nói.
Theo ông, những tác động của biến đổi khí hậu, nhiều cán bộ lãnh đạo thấy, nhưng chưa có những đối phó cụ thể, cũng có thể vì “không ai chết vì điều đó, mà đến đời con, đời cháu mới thấy”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, cũng cho rằng nên giảm bớt việc trồng lúa. “Nếu Nhà nước không tổ chức lại sản xuất, nông dân sẽ tiếp tục khổ sở”, ông nói. Và theo ông Xuân, Campuchia, Lào... cũng đang muốn tăng diện tích lúa trong mùa khô, đồng nghĩa lượng nước càng bị chia sớt nhiều từ phía thượng nguồn.
“Do đó, nên xem lại vấn đề khai thác nước ở mức độ nào là hợp lý để khỏi ảnh hưởng các tỉnh ven biển vì lượng nước đổ ra biển giảm, đồng nghĩa xâm ngập mặn sẽ gia tăng”, ông nói.
Theo ông, cần có một nghiên cứu sâu và chi tiết về tác động từ phía thượng nguồn, biến đổi khí hậu... để xác định mức độ ảnh hưởng, qua đó xác định lại những vùng lúa có thể bị ảnh hưởng nặng để lên kế hoạch chuyển đổi.
Ông Xuân cho biết, cũng do nông dân không biết tiết kiệm nước, nên hiện nay một héc ta đất trồng lúa bình quân “ngốn” đến hơn 20.000 mét khối nước mỗi vụ. ĐBSCL hiện xuống giống đến 3,8 triệu héc ta/năm, tức mất hơn 76 tỉ mét khối nước/năm, một con số khổng lồ! Trong khi đó, lượng nước sông Mêkông đổ qua ĐBSCL hiện vào khoảng 460 tỉ mét khối/năm, tức một phần sáu trong số đó chỉ dành để phục vụ cây lúa.
Và để giảm áp lực an ninh lương thực, ông Trần Minh Hải, quyền Trưởng khoa Kinh tế (Đại học An Giang), cho rằng thậm chí cần tính tới chuyện “bày” cho người dân cách ăn uống. “Có người, mỗi bữa cơm ăn đến 4-5 chén. Trong khi có nhiều thực phẩm khác thay thế gạo”, ông nêu thực tế.
“Phải nhìn vào sự thật để giảm diện tích lúa. Nếu chủ động, chúng ta sẽ có khả năng tập trung nguồn lực đầu tư cho phần diện tích còn lại tốt hơn”, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, nói vậy. Ông cho rằng, dù không khuyến cáo giảm diện tích lúa, nhưng xu thế tất yếu cũng phải giảm.