Hệ thống sông Đồng Nai: Oằn mình gánh thủy điện
Các nhà chuyên môn lo ngại thủy điện sẽ tàn phá nhiều khu rừng nguyên sinh, băm nát các thảm thực vật trên lưu vực sông Đồng Nai.
Ngày 17-4, tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên diễn ra Hội thảo: Các khuyến nghị của Ủy ban thế giới về Đập đối với phát triển thủy điện ở lưu vực sông Đồng Nai. Lưu vực sông Đồng Nai với tiềm năng thủy điện đứng thứ hai ở Việt Nam chỉ sau sông Đà với công suất 2.850 MW và điện lượng bình quân khoảng 11,5 tỷ kWh/năm.
Chia nhau từng khúc sông
Trên ba chính là sông Đồng Nai, sông Bé và sông La Ngà hiện nay gần như lấp đầy các nhà máy thủy điện và các dự án thủy điện.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công nghiệp, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 bậc thang trên sông Đồng Nai với 15 công trình thủy điện. Trong đó, các công trình thủy điện lớn đang hoạt động gồm Đa Nhim - 160 MW, Trị An - 400 MW. Ngoài ra, có một loạt công trình đang xây dựng hoặc trong giai đoạn lập dự án đầu tư, như: Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5…, Đắk Tih - La Ngâu.
Các dòng phụ trong hệ thống sông Đồng Nai cũng chịu áp lực về thủy điện. Trên sông La Ngà cũng được quy hoạch 2 bậc thang thủy điện Bảo Lộc và Trà Mi với các công trình Hàm Thuận - 300 MW, Đa Mi - 175 MW. Trên sông Bé có thủy điện Thác Mơ- 150 MW, Cầu Đơn và Srok Phu Miêng.
Nhiều dự án thủy điện nếu được thực hiện sẽ tác động lớn đến đời sống dân cư và môi trường. Như dự án thủy điện Đồng Nai 8, theo thiết kế thủy điện Đồng Nai 8 sẽ gây ngập 10 ngàn ha đất, di dời 8 ngàn dân. Do vậy, dự án này đã bị loại bỏ.
Nhưng ngay sau đó, các chủ đầu tư xé nhỏ dự án này thành 5 bậc, mỗi bậc cao 8 -10 m. Các dự án này được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua. Dự tính 5 công trình thủy điện phân bậc này có tổng công suất lắp máy 164 MW.
Tham gia thực hiện chủ nhiệm nhiều dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, ông Đậu Xuân Thủy, công tác tại Trung tâm tư vấn thủy điện (của Cty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 2) cho hay, hiện đã có hàng trăm dự án thủy điện trên hệ thống sông này.
Định hướng nào?
Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho rằng: “Quy hoạch bậc thang thủy điện đang bị thay đổi một cách tùy tiện, không được xem xét hiệu ích tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn, dòng chảy môi trường. Hệ thống sông Đồng Nai có vai trò quan trọng, được xem là có vùng nước dồi dào, nhưng đang có dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm”.
Ông Huy kiến nghị Chính phủ thành lập các tổ chức lưu vực sông để có sự quản lý tốt.
Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm phát triển Bền vững Tài nguyên nước thích nghi - Biến đổi khí hậu (nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam) cho biết: Chỉ trong 10 năm, hệ thống sông của Việt Nam có trên dưới 500 trạm thủy điện lớn bé.
Các nhà chuyên môn lo ngại, nếu một trong các thủy điện gặp sự cố thì hậu quả dây chuyền, khi đó khu vực hạ lưu, vùng trọng điểm phía Nam sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Theo nhận định, đồng loạt các công trình thủy điện như kế hoạch được xây dựng và đi vào hoạt động, sẽ tàn phá rất nhiều khu rừng nguyên sinh và băm nát các thảm thực vật trên lưu vực sông Đồng Nai.
Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Phó viện trưởng Viện sinh học nhiệt đới, Giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, cảnh báo: “Tôi dự báo trong tương lai, mùa khô thì thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Mùa mưa lũ xuất hiện nhiều, gây ngập úng ở hạ lưu. Đặc biệt là làm thay đổi dòng chảy môi trường kéo theo sự thay đổi của các hệ sinh thái”.