Hơn 4 vạn dân có nguy cơ “chết khát”
Thứ năm - 11/06/2009 22:31
Công trường xây dựng Thủy điện Đắk Mi 4
Đó là cảnh báo của UBND TP.Đà Nẵng đối với việc xây dựng Nhà máy Thủy điện ĐăkMi 4, công suất 190 MW, tổng mức đầu tư 4.600 tỉ đồng, được khởi công tháng 4-2007, tại huyện Phước Sơn - Quảng Nam.
“Nếu trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện ĐăkMi 4, nước sông ĐăkMi được chảy về sông Thu Bồn mà không đổ thẳng về sông Vu Gia như trước thì tình hình ở khu vực hạ lưu sông Vu Gia sẽ hết sức phức tạp. Cả một vùng rộng lớn gồm Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn... chỉ còn có cách múc nước biển về lọc để uống thôi!”. Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Cấp nước Đà Nẵng, cảnh báo.
Sai lầm nghiêm trọng
Theo ông Ninh, từ tháng 7-2008, khi người ta tiến hành chặn dòng để tích nước vào hồ thủy điện A Vương đã gây ra đợt thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia khiến khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp bị hạn hán. Riêng Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải huy động trạm bơm dự phòng ở An Trạch để chống nhiễm mặn cho Nhà máy Nước Cầu Đỏ này nhưng vẫn không khắc phục nổi. Trong khi đó, dòng cơ bản của thủy điện A Vương mới chỉ bằng 1/3 dòng cơ bản của thủy điện ĐăkMi 4. Theo thiết kế, dòng nước cơ bản sông ĐăkMi được tính toán chuyển về sông Thu Bồn để phát điện, sau đó chảy về sông Vu Gia.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng, đây là một sai lầm rất nghiêm trọng, bởi trên thực tế, tuy có một lượng nhỏ nước sông Thu Bồn chảy về sông Hàn (Đà Nẵng) qua sông Vĩnh Điện (Quảng Nam) nhưng nguồn nước này không sử dụng được do sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn quanh năm.
Trước tình hình này, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có báo cáo gửi các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường... nhấn mạnh đến nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng đối với khu vực này nếu Nhà máy Thủy điện ĐăkMi 4 vận hành như thiết kế ban đầu. Không dưới 40.000 dân, hàng chục ngàn hécta lúa, hoa màu sẽ thiếu nước. Đặc biệt, Nhà máy Nước Cầu Đỏ, nguồn cung cấp nước chính cho Đà Nẵng sẽ phải ngừng hoạt động vì bị nhiễm mặn...
Sông Vu Gia sẽ suy thoái, cạn kiệt
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, cho biết sau khi dự án thủy điện ĐăkMi 4 khởi công tháng 4-2007, đến đầu năm 2008, ông đã báo cáo với UBND TP Đà Nẵng. Lãnh đạo TP đánh giá đây là vấn đề nghiêm trọng nên yêu cầu ông lập báo cáo thật cụ thể, chi tiết để làm việc với các Bộ, ngành hữu quan. Từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2009, UBND TP.Đà Nẵng liên tục gửi 3 văn bản đề nghị Bộ Công Thương với chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thủy điện chủ trì tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý tình trạng thiếu nước liên quan đến Thủy điện ĐăkMi 4. Tuy nhiên, các đề nghị này đều không được Bộ Công Thương đáp ứng. Buộc lòng đến cuối tháng 5-2009, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phải có Văn bản 3178 báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ này chủ trì xử lý và có văn bản trả lời cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6. Đến lúc này, nghĩa là sau gần một năm kể từ khi UBND TP Đà Nẵng gửi văn bản đầu tiên, Bộ Công Thương mới chịu đứng ra triệu tập cuộc họp vào ngày 11-6 tới như đã nêu trên.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho biết địa phương hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác tài nguyên nước sông Vu Gia đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu thủy điện. Tuy nhiên, dự án Thủy điện ĐăkMi 4 không những không góp phần cải thiện dòng chảy mùa kiệt để tạo nên sự phát triển bền vững tài nguyên nước mà lại còn làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước sông Vu Gia.
Do vậy, UBND TP.Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư sớm bổ sung xây dựng cống điều tiết qua thân đập để trả nước lại sông Vu Gia với lưu lượng lớn nhất là 87 m3/giây. Đồng thời, do chế độ điều tiết hệ thống các hồ chứa thủy điện trên sông Vu Gia có tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và Quảng Nam nên UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa tất cả các hồ chứa thủy điện trên vào danh mục các hồ chứa phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa để bảo đảm nguồn nước lưu vực sông Vu Gia.
Nguồn tin: Hoàng Dũng - An Châu