Công tác quan trắc tài nguyên nước dưới đất được tiến hành liên tục từ 1990 đến nay. Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, các điểm quan trắc được bố trí trên 9 tỉnh, thành phố. Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất 9 tháng năm 2009 tại các tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương) được tóm tắt dưới đây.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng khai thác nước tập trung trong tầng chứa nước qp đặc biệt là khu vực thành phố Vĩnh Yên. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong thời gian từ đầu năm 2000 tới năm 2009 bình quân vào khoảng 0,13m/năm. So với cùng kỳ tháng 9 năm 2008 thì mực nước tháng 9 năm nay co xu hướng thấp hơn.
Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, cùng với quá trình đô thị hoá và sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu dùng nước ngày càng nhiều, dẫn đến lượng khai thác nước dưới đất mạnh mẽ làm cho sự hạ thấp mực nước ở một số bãi giếng ngày càng tăng. Điển hình là khu vực phía Nam thành phố nơi có các nhà máy khai thác nước dưới đất hình thành phễu hạ thấp mực nước.
Tỉnh Bắc Ninh với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu dùng nước tăng. Từ năm 1999 lượng nước khai thác tăng ảnh hưởng đến mực nước các tầng chứa nước của khu vực. Tốc độ hạ thấp mực nước bình quân từ năm 1999 đến nay đối với tầng chứa nước qh là 0,21m (Q.115) và với tầng chứa nước qp là 0,16m (Q.116a và Q.37a).
Hải Dương là vùng có đặc điểm thuỷ địa phức tạp, nước mặn nước nhạt xen kẽ. Nhìn chung tầng chứa nước qh bị mặn. Hiện nay lượng nước khai thác ngày một gia tăng làm suy giảm mực nước tầng qp, điển hình là hai công trình Q.145a và Q.148a. Tốc độ suy giảm mực nước từ 1997 đến nay tại Q.145a vào khoảng 0,168m/năm. Trong quá trình khai thác sử dụng, cần có quy hoạch khai thác hợp lý để bảo vệ tầng chứa nước tránh nhiễm bẩn, nhiễm mặn.
Hưng Yên là vùng phân bố của tầng chứa nước có áp Pleistocen (qp), những năm trước kia, mực nước tầng qp cao hơn mực nước tầng qh. Ngày nay, do sự gia tăng của nhu cầu về nước dẫn đến lưu lượng khai thác tăng, mực nước tầng qp suy giảm và thấp hơn tầng chứa nước qh.
Hà Nam là vùng có đặc điểm thuỷ địa phức tạp, nước mặn nước nhạt xen kẽ. Phần nước nhạt nằm ở khu vực ven sông Đáy, sông Hồng. Sự dao động mực nước tầng qp thay đổi theo mùa. Ở một số công trình quan trắc đã thấy có dấu hiệu sự suy giảm mực nước. Trong quá trình khai thác, sử dụng nước dưới đất, tỉnh nên có quy hoạch và chế độ khai thác hợp lý để bảo vệ phần nước nhạt quý giá trong địa bàn tỉnh.
Nam Định là vùng có đặc điểm thuỷ địa hóa phức tạp, nước mặn nước nhạt xen kẽ. Thấu kính nước nhạt tầng chứa nước qp có dạng dải kéo dài theo hướng tây bắc đông nam. Hiện nay lượng nước khai thác ngày một gia tăng làm suy giảm mực nước với tốc độ suy giảm khoảng 0,54m/năm (tại công trình Q.109a từ 1996 đến 2009). Nguồn nước nhạt quý giá này cần được đánh giá và kiểm soát để có cơ sở lập quy hoạch khai thác bền vững.
Thái Bình là tỉnh ven biển, đặc điểm thuỷ hoá phức tạp, nước mặn, nước nhạt xen kẽ. Khu vực nước nhạt chủ yếu ở phía bắc sông Luộc (Q.159 tầng qh và Q.159b tầng qp). Tốc độ hạ thấp mực nước tính từ năm 1997 đến nay vào khoảng 0,3m/năm. Công tác khai thác, sử dụng nước dưới đất cần được quản lý chặt chẽ để bảo vệ môi trường và tài nguyên nước dưới đất.
Hải Phòng là vùng có đặc điểm thuỷ địa phức tạp, nước mặn nước nhạt xen kẽ. Thấu kính nước nhạt nằm ở khu vực Kiến An (điểm Q.167). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình từ năm 1993 đến nay vào khoảng 0,6m/năm (Q.167a). Trong quá trình khai thác cần được nghiên cứu chi tiết để lập quy hoạch khai thác hợp lý chống xâm nhập mặn theo chiều ngang cũng như chiều thẳng đứng.