Kinh tế hóa hoạt động quản lý tài nguyên biển
Chính sách quản lý tài nguyên biển, trong đó có tài nguyên khoáng sản biển, cấp giấy phép sử dụng biển để tăng cường vai trò quản lý Nhà nước cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách là vấn đề rất được quan tâm khi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng dự thảo Luật TN&MT biển.
Khai thác khoáng sản biển: Không thể chồng chéo
Nước ta có Luật Khoáng sản (năm 1996) sửa đổi năm 2005 và dự kiến tiếp tục sửa đổi năm 2010; Luật Dầu khí năm 1993 và sửa đổi năm 2008 đã quy định cho Bộ, ngành, các tỉnh, địa phương lập kế hoạch điều tra thăm dò và cấp phép về khoáng sản và dầu khí. Nghị định 25/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1/5/2009 với năm chương và 30 điều quy định đã làm rõ các điều kiện bảo đảm cho quản lý tổng hợp cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Tuy nhiên việc cấp phép và khai thác khoáng sản tại vùng ven biển, biển và hải đảo vẫn còn một số bất cập và chồng chéo. Có nhiều loại giấy phép tuân theo các luật chuyên ngành Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, (Luật Dầu khí), Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường. Luật Khoáng sản cũng qui định Bộ Công Thương, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng cùng quản lý tài nguyên khoáng sản dẫn đến sự chồng chéo theo hàng ngang và sự phân cấp chưa cụ thể theo ngành dọc từ Trung ương xuống địa phương (trong quy hoạch , kế hoạch).
Theo TS. Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản nói chung và vùng ven biển, biển và hải đảo nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều tác động bất lợi về môi trường trên diện rộng và ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh ổn định xã hội.
Giấy phép khai thác khoáng sản trên toàn Việt Nam đã gia tăng đột biến gần 3.500 giấy phép trong ba năm gần đây. Tại Hà Tĩnh, tình trạng khai thác cát trắng đã thực hiện gần 20 năm nay nhưng vẫn chưa có quy hoạch, thực tế cát đã sắp hết.
Các địa phương ven biển khác như Bình Định và các tỉnh miền Trung khác khai thác inmenit cũng đang rất bất cập, nếu không được điều chỉnh sớm sẽ mắc lại "căn bệnh Hà Tĩnh" trong công tác khai khoáng ven biển và để lại tác động rất xấu tới kinh tế- xã hội- môi trường.
Mặt khác khai thác tài nguyên khoáng sản biển là ngành kinh tế mạo hiểm đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật hiện đại, đặc biệt tại các vùng biển sâu và thềm lục địa và có nhiều rủi ro nên cần có cơ chế thích hợp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Luật TN&MT biển do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang hoàn thiện trình Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về phân vùng và phân cấp quản lý giữa cơ quan Trung ương và địa phương trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Vẫn theo TS. Dư Văn Toán, cần sớm xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về các dạng tài nguyên khoáng sản biển, các bản đồ phân bố chi tiết cho toàn biển Việt Nam. Tổng hợp, cập nhật tình hình khai thác và thị trường khoáng sản thế giới, để quyết định cấp phép và khai thác khoáng sản ven biển, biển và hải đảo. Các dự án khai thác khoáng sản biển phải được đánh giá tác động môi trường và phải tính tới điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, để không gây ra các thiên tai xói lở, ngập lụt, xâm nhập mặn.
Sẽ cấp phép sử dụng biển
Theo Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về việc quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật. Việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, quy hoạch chuyên ngành đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch được lập cho giai đoạn 10 năm và định hướng cho giai đoạn 20 năm tiếp theo. Định kỳ 5 năm phải đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.
Tinh thần của Nghị định này đã được thể hiện trong dự thảo Luật TN&MT biển, đặc biệt với một số nội dung đang được soạn thảo như tiến hành cấp giấy phép sử dụng biển, tương tự như cấp sổ đỏ trong quản lý đất đai.
Theo Ban soạn thảo, chính việc cấp giấy phép sử dụng biển cho những tổ chức, tập thể là điều nên và phải làm. Việc thu thuế sử dụng khai thác tài nguyên biển cũng sẽ được tiến hành triệt để hơn, đồng thời có những công cụ xử phạt răn đe nhằm nâng cao nhận thức cho những đối tượng khai thác tài nguyên biển.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác khu vực trong quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA)… trong quản lý tổng hợp và khai thác sử dụng biển.
Tổng cục cũng đang tiến hành xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá, làm căn cứ cấp thẻ xanh (chứng nhận xanh) cho các vùng biển làm công cụ quản lý ở cấp quốc gia để đánh giá mức độ tuân thủ và hiệu quả sử dụng các vùng biển, để trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ tiêu chí sẽ được xây dựng xoay quanh ba trục chính là khai thác hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và an toàn về sinh thái.