Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Tài nguyên nước

Mực nước ngầm ở Việt Nam suy giảm liên tục

Thứ sáu - 02/07/2010 00:48
Kết quả quan trắc nước dưới đất trên 20 năm qua cho thấy sự suy giảm liên tục mực nước dưới đất ở các vùng khai thác với tốc độ bình quân 0,4-0,6cm ở đồng bằng Bắc Bộ và 0,6-1,0cm ở đồng bằng Nam Bộ - TS. Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch&Điều tra Tài nguyên Nước miền Bắc, nói.
- TS có thể cho biết tình trạng suy thoái tài nguyên nước ở nước ta hiện nay?

- Suy thoái nguồn nước theo giải thích của Luật Tài nguyên Nước là sự suy giảm về chất và lượng của nguồn nước. Suy giảm về lượng của nguồn nước được thể hiện bằng sự hạ thấp dần theo thời gian của mực nước, sự giảm dần công suất khai thác theo thời gian, đối với nước dưới đất còn thể hiện ở sự mở rộng phễu hạ thấp mực nước. Suy giảm về chất thể hiện ở sự nhiễm bẩn nhiễm mặn tức là sự tăng dần các thông số đánh giá chất lượng nước dẫn đến vi phạm tiêu chuẩn cho phép.

Sự suy thoái tài nguyên nước ở nước ta thể hiện tương đối rõ đối với nước dưới đất. Kết quả quan trắc nước dưới đất trên 20 năm qua đã ghi nhận sự suy giảm liên tục mực nước dưới đất ở các vùng khai thác với tốc độ bình quân 0,4-0,6cm ở các vùng Hà Nội, Vĩnh Yên, Nam Định thuộc đồng bằng Bắc Bộ và 0,6-1,0cm ở các vùng TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng thuộc đồng bằng Nam Bộ.

Các biểu hiện nhiễm bẩn nước dưới đất quan sát thấy ở vùng Lạng Sơn, Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiễm mặn nước dưới đất ở vùng TP Hải Phòng, TP Vinh, TP Đồng Hới, TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân của sự suy thoái tài nguyên nước là do khai thác lớn quá giới hạn cho phép, khai thác không hợp lý hoặc không có những giải pháp hữu hiệu bảo vệ tầng chứa nước.

- Tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, khai thác không được cấp phép đang là vấn đề nổi cộm trong quản lý tài nguyên nước sẽ tác động gì đến sự suy thoái tài nguyên nước?

- Vâng, như đã nói ở trên, về nguyên nhân suy thoái tài nguyên nước thì một trong những nguyên nhân là do tình trạng khai thác mà không có quy hoạch, khai thác không được cấp phép.

Hiện nay nước ta chưa thực hiện được nhiều quy hoạch tổng hợp khai thác sử dụng tài nguyên nước, những nơi chỉ có quy hoạch ngành  tức là quy hoạch cho một lĩnh vực sử dụng hoặc chỉ chú ý đến một loại nguồn nước dẫn đến khai thác nước sử dụng cho mục đích này phương hại đến mục đích kia. Ví dụ nguồn nước dưới đất đáng lẽ cần được ưu tiên sử dụng cho ăn uống sinh hoạt thì lại dùng để tưới.

Để quy hoạch khai thác sử dụng một cách hài hoà, các mục đích sử dụng nước phải theo hướng xếp theo thứ tự ưu tiên.

Yêu cầu của quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước hiện nay là, ngoài việc khai thác sử dụng, cần phải chú ý đến phát triển tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước.

Việc khai thác không được cấp phép đang là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong công tác quản lý tài nguyên nước. Để cấp được giấy phép các hộ khai thác, cần phải thực hiện công tác thăm dò đánh giá được trữ lượng, chất lượng nước, trên cơ sở đó các cơ quan quản lý  xem xét để cấp giấy phép khai thác.

Khai thác không có giấy phép tức là không thực hiện công tác thăm dò hoặc thăm dò qua loa đại khái, không làm rõ được trữ lượng trong các tầng chứa nước dẫn đến thường là khai thác quá mức, khai thác không hợp lý làm cạn kiệt nguồn nước.

Việc khai thác không giấy phép còn dẫn đến tình trạng khai thác tràn lan,  nhất là ở vùng nông thôn (mỗi nhà có một giếng). Điều đó sẽ phá hỏng tầng chứa nước, làm cho nước bị suy thoái về chất như nhiễm bẩn, nhiễm mặn nguồn nước.

- Trồng và bảo vệ rừng được xem là chiến lược lâu dài để giữ nước, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đúng vậy! Đối với tài nguyên nước, rừng có thể điều hoà được nguồn nước, giảm được lũ, gia tăng lưu lượng vào mùa kiệt tức là hạn chế tình trạng hạn hán. Đối với nước dưới đất, rừng có tác dụng gia tăng lượng nước thấm cung cấp cho nước dưới đất.

Thực tế cho thấy, nơi nào rừng đầu nguồn bị phá, nơi đó luôn xảy ra tình trạng lũ, lụt vào mùa mưa, khô hạn về mùa khô. Do đó việc trồng và bảo vệ rừng cần được xem là chiến lược để bảo vệ và phát triển nguồn nước.

- Trong tương lai không xa, biến đổi khí hậu sẽ làm suy thoái tài nguyên nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng chục triệu người. Xin ông cho biết chúng ta cần phải làm gì, Liên đoàn Quy hoạch&Điều traTài nguyên nước miền Bắc có đóng góp gì để phòng chống sự suy thoái tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu?

- Sự suy thoái tài nguyên nước hiện nay đã biểu hiện rất rõ, đặc biệt là ở những nơi khai thác mạnh. Chính vì thế, trong chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chính Phủ đã đề xuất thực hiện rất nhiều đề án theo hướng bảo vệ tài nguyên nước như bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn,  bảo vệ và khôi phục rừng phòng hộ lưu vực các hồ chứa nước lớn, toàn dân tham gia bảo vệ  tài nguyên nước…

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc  đang tích cực tham gia vào đề án bảo vệ nước dưới đất ở chín đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Vũng Tàu, Cần Thơ, Mỹ Tho. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành trong thời gian 2010-2013 sau đó tiếp tục thực hiện các dự án bảo vệ tài nguyên nước ở các khu vực khác.

Đối với tài nguyên nước, để phòng chống các tác động khi nước biển dâng, trước hết ta phải xây dựng các kịch bản ảnh hưởng tác động khác nhau ở dải ven biển, thực hiện các giải pháp ngăn nước mặn ở các cửa sông, làm nhạt các tầng chức nước, bổ sung nhân tạo các nguồn nước nhạt cho nước dưới đất.

Đối phó với tình trạng hạn hán lũ lụt, ta cần thực hiện các giải pháp dự trữ nước, tận dụng lưu giữ lại nước mưa, chuyển nước mưa vào lòng đất, xây dựng các “ kho” chứa nước ở trong lòng đất..

-  Xin cám ơn Tiến sĩ.






Nguồn tin: Vfej.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi