Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được phê duyệt lần đầu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm ở đô thị. Dẫu vậy, còn rất nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu này, khi nước thải tại nguồn hầu như chưa được kiểm soát.
Chưa thể xử lý tận gốc
Từ nhiều năm trước, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, mỗi ngày có khoảng 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải chưa được xử lý vẫn đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.
Sông Tô Lịch được coi là ô nhiễm nhất thành phố đã nhiều lần được lên phương án cải tạo như dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch (năm 2009), làm sạch bằng công nghệ nano-bioreactor (năm 2019), hay mới nhất là cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh, tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất hoặc thí điểm. Nhiều dòng sông khác tại Hà Nội như sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy… cũng đã biến thành kênh thoát nước thải, ô nhiễm từ hàng chục năm nay.
Sự chậm trễ trong xử lý ô nhiễm khiến người dân sống dọc các dòng sông bất an. Mùa nắng thì sông bốc mùi hôi nồng nặc, mùa mưa tuy có đỡ hơn chút nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Hằng tuần, công nhân vệ sinh môi trường vẫn đi vớt rác trôi dưới sông, thỉnh thoảng công ty môi trường lại nạo vét bùn đất để khơi thông dòng chảy, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề xử lý nước thải tại các đô thị mới chỉ làm được phần “ngọn” qua thu gom rác, kè bờ, giải tỏa các nguồn thải trực tiếp trên mặt nước, chứ phần “gốc” như phân loại xử lý nước thải tại nguồn thì chưa làm được. Ngoài ra, nước thải và nước mưa chưa tách nhau nên mùa khô thì sông cạn trơ đáy, mùa mưa lại không tiêu thoát kịp, dẫn đến nhiều khu vực nội đô ngập lụt trầm trọng. Chưa kể, ý thức người dân còn kém, nhiều người vẫn thoải mái thẳng tay đổ bất kỳ thứ gì xuống sông nhưng chính quyền chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Cải tạo hệ thống thu gom nước nhằm hồi sinh dòng sông Tô Lịch.
Hiện thực hóa bằng hành động
Ngày 27/12/2022, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem là chính sách quan trọng, với mục tiêu bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn và giảm đến mức thấp nhất tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Quy hoạch cũng nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra… Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2030, việc thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên.
Hầu hết các dòng sông trên địa bàn Hà Nội đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng việc xử lý chưa hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, để những dòng sông được hồi sinh cần cải tạo, thay đổi theo hướng xem xét toàn diện nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nhằm phục hồi lại giá trị ban đầu. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với việc đưa ra giải pháp “hồi sinh” các dòng sông ô nhiễm. Trước đây đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất về dự án cải tạo, khôi phục các dòng sông đô thị, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, ngay khi còn là ý tưởng, những đề án này đã vấp phải không ít ý kiến khác nhau và tới nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào thật sự có tính khả thi.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Môi trường kỳ vọng với quy hoạch tài nguyên nước, các dòng sông “chết” trên địa bàn Hà Nội sẽ có cơ hội hồi sinh. Ông Tùng cho rằng, mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 30% nước thải đô thị từ loại II trở lên được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường là tham vọng lớn, vì vậy trách nhiệm không chỉ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường mà của tất cả bộ, ngành, rồi đến các địa phương có khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Dựa trên quy hoạch này, cần đề ra những chương trình cụ thể để thực hiện bài bản, quyết liệt, tránh tình trạng “nửa vời”.
Từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê trình Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai. Với những bước đi cụ thể nhằm triển khai quy hoạch tài nguyên nước, người dân Hà Nội đang kỳ vọng một ngày nào đó những dòng sông “chết” sẽ trở lại như xưa.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá dự kiến bàn giao năm 2022, hiện vẫn ngổn ngang, chưa biết khi nào hoàn thành. Những dự án khác tại Kiến Hưng (quận Hà Đông), thị xã Sơn Tây, lưu vực tả sông Nhuệ và Yên Sở mới ở giai đoạn triển khai thủ tục đầu tư. |