Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Tài nguyên nước

Nguy cơ từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong

Thứ ba - 30/06/2009 00:23
Nguy cơ từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong

Nguy cơ từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 ki lô mét, diện tích lưu vực 795.000 ki lô mét vuông, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 mét khối/giây và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ mét khối tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của sáu quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Xây đập ngăn sông để khai thác thủy điện Lưu vực sông Mekong có tiềm năng thủy điện lớn và phát triển thủy điện sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới. Sông Lancang hay Lan Thương (thượng nguồn Mekong) trên địa phận tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có tiềm năng thủy điện rất lớn.

Quy hoạch bậc thang thủy điện trong lưu vực sông Lancang được bắt đầu tiến hành từ những năm 1980, có 25 bậc thang trên dòng chính với tổng công suất lắp máy là 25.870 MW và 120 trạm thủy điện trên các dòng nhánh với tổng công suất lắp máy là 2.600 MW.

Hiện nay, có tám công trình thủy điện chính trên sông Lancang đã và đang xây dựng gồm: Đập thủy điện Cống Quả Kiều cao 105 mét, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6-2011. Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 mét, công suất 4.200 MW sẽ đưa vào hoạt động tháng 10-2009. Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử.

Dưới đó là đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 mét, dung tích 920 triệu mét khối, công suất 1.500 MW hoàn thành 1993. Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 mét, dung tích 940 triệu mét khối, công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003. Tiếp đó là đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 mét, công suất 1.500 MW hoàn thành 2009.

Ngoài ra, còn ba đập khác đang trong quá trình xây dựng là Nọa Trát Độ (Nouzhadu), đập Cảm Lâm và đập Mãnh Tống nằm ở đoạn hạ lưu sông Lan Cang. Ngoài ra, Lào có kế hoạch nghiên cứu xây dựng 23 đập thủy điện, trong đó có đập Ban Koun công suất lớn nhất khoảng 2.000 MW.

Thái Lan ngoài hai con đập Sakamen 1 và 3, đã có kế hoạch tái khởi động xây dựng các đập trên sông Mekong dự kiến công suất 4.000 MW. Phía Campuchia cũng nghiên cứu hai đập thủy điện là Sambor và Stung Treng có công suất khoảng 3.600 MW.

Hạ lưu sẽ lãnh hậu quả

Có hai xu thế quan điểm về xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong. Những người ủng hộ cho là con người ngày càng đông, kinh tế ngày càng phát triển, mọi nhu cầu cho con người và cho phát triển kinh tế đều cần nước, do đó phải xây dựng đập thủy điện là loại năng lượng sạch, tái tạo được. Đập có tác dụng trữ nước, phát điện, cắt lũ và điều tiết nước trong mùa khô cho hạ lưu.

Những người phản đối xây đập thủy điện, ngày càng gia tăng, lên án mạnh mẽ đập thủy điện làm ngập đất, rừng, dân cư phải di dời, làm thay đổi chế độ dòng chảy, và môi trường sinh thái. Xét về dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước/năm lưu vực sông Lancang tính đến biên giới Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư, một phần năm và một phần sáu lần dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước/năm sông Mekong tại Kratie.

Như vậy việc khai thác sử dụng tiềm năng thủy điện lưu vực sông Lancang chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước, lượng điện, nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy và môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, nhất là đối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy tự nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu. Đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đến chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.

Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, ông Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (Mỹ), đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc”.

Do những phản đối xây đập ngày càng nhiều, khiến cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng lo ngại vì xây đập hồ chứa cần rất nhiều tiền mà phần lớn các nước đang phát triển muốn thực hiện, thì phải đi vay.

Một ủy ban thế giới về đập có tên là “World Commission on Dams” đã được thành lập năm 1998 để nghiên cứu và đưa ra các đánh giá về tác động tiêu cực của đập và đưa ra các khuyến cáo cần thiết.

Sau bốn năm nghiên cứu hàng ngàn đập trên thế giới (có hai đập ở Việt Nam), Ủy ban thế giới về Đập đã đưa ra 7 nguyên tắc chiến lược khi xây dựng đập cần thực hiện là: (1) Cần có sự chấp nhận của công chúng; (2) Cần đánh giá toàn diện các phương án khác nhau có thể; (3) Đánh giá về tác động của các đập hiện có; (4) Bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế cho người dân; (5) Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích; (6) Đảm bảo tuân thủ (pháp lý quốc tế, khu vực, quốc gia, quy trình…); và (7) Sử dụng các sông vì mục đích hòa bình, phát triển và an ninh.

Việt Nam phải làm gì?

Lưu vực sông Mekong hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông, mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực.

Nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong tại các nước ven sông sẽ ngày càng lớn và chắc chắn sẽ tăng đáng kể trong tương lai. Do đó việc sử dụng công bằng, hợp lý, phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông bao gồm ba nội dung chính là phát triển (quy hoạch và xây dựng công trình), quản lý (phân bổ, giải quyết tranh chấp, quản lý ô nhiễm...) và bảo vệ (bảo vệ rừng, quản lý phân bón, thuốc trừ sâu, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dải ven bờ...).

Điều đáng lo nhất là các nước vùng hạ lưu không nắm được cụ thể quy trình vận hành các nhà máy thủy điện của Trung Quốc. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ hai trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giản.

Một số nhà khoa học cũng lưu ý để tránh tình trạng cực đoan, các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại, minh chứng trên luận cứ khách quan và khoa học để làm sao tác động về lợi của các công trình đập thủy điện và đập dâng là lớn nhất và thiệt hại là ít nhất.

Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, cụ thể là tại hai trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.

Con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực. Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ bốn nước hạ du của Ủy hội sông Mekong (MRC), cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của Việt Nam qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) có đầy đủ cả sáu thành viên.

Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu.

Câu ca thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu sẽ trở thành hiện thực ở vùng Châu thổ sông Mekong!





Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi