Nước ngầm dần cạn kiệt
Thứ ba - 11/08/2009 00:13
Nước ngầm dần cạn kiệt
Qua kiểm tra của ngành chức năng, thời gian gần đây, nguồn nước mặt ngày càng trở nên ô nhiễm, trong khi việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm của người dân trở nên phổ biến. Vấn đề bức thiết đang đặt ra là làm thế nào quản lý nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả nhất.
Do điều kiện tự nhiên, một số địa phương trong tỉnh như Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn A, Lương Nghĩa,... thường xảy ra tình trạng bị nước mặn xâm nhập hoặc bị nhiễm phèn, nếu mực nước ngầm hạ xuống thấp, dễ dẫn đến nguy cơ nước ngọt bị nhiễm phèn, mặn.
Trong thời gian qua, số lượng giếng khoan sử dụng trong hộ gia đình cứ tăng dần, nhất là ở vùng nông thôn, vì người dân ngán ngại sử dụng nguồn nước mặt. Nguyên nhân chính là do tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trước. Hiện nay, dù ngành chức năng đã đầu tư xây dựng các trạm cung cấp hoặc mở mạng cấp nước, nhưng người dân vẫn không sử dụng mà vẫn muốn khoan thêm cây nước. Chị Hoa ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A dù đã sử dụng nước từ trạm cấp nước mini của Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang nhưng chị vẫn muốn đóng thêm cây nước để sử dụng. Chị Hoa nói: “Sử dụng nước của trạm cấp nước, mỗi tháng phải tốn thêm một khoản chi phí để đóng tiền nước, thay vì đóng cây nước, tốn tiền một lần, nhưng được sử dụng nước thoải mái”.
Theo quy định, các công trình khai thác tài nguyên nước ngầm có khối lượng trên 20 m3/ngày đêm được cơ quan chức năng cấp phép mới được khai thác, sử dụng. Nghị định 149/2004/NĐ-CP ngày 27-7-2004 cũng quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn khai thác phải lập thủ tục xin được cấp phép khai thác khi được UBND tỉnh đồng ý. Nhưng trên thực tế nhiều năm qua, phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu khai thác nguồn nước với khối lượng lớn đều tự ý khai thác, mà không đến cơ quan chức năng quản lý lập thủ tục xin cấp phép theo quy định. Đến khi có đợt kiểm tra, bị cơ quan chức năng phát hiện, nhắc nhở nhiều lần, các đơn vị này mới đăng ký xin phép khai thác. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, kiểm soát và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Toàn tỉnh có khoảng 19 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp nước sinh hoạt đã được cấp phép khai thác tài nguyên nước. Trong đó, công trình khai thác có công suất cao nhất là 11.000 m3/ngày đêm và thấp nhất là 240 m3/ngày đêm. Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đã thẩm định và cấp phép cho 3 cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất, 1 công trình khai thác nước ngầm và 3 công trình khai thác nước mặt gồm: Nhà máy đường Phụng Hiệp, các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt thuộc Công ty Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang,... Hiện còn khoảng 20 cơ sở, công trình khai thác vượt định mức 20 m3/ngày đêm đối với nước ngầm nhưng chưa xin cấp phép khai thác như: Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Minh Trí, nhà máy chế biến nông sản Long Mỹ. Riêng số lượng giếng khoan sử dụng hộ gia đình tính đến hết quý 1-2009, toàn tỉnh có đến trên 35.000 giếng bơm tay.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hậu Giang, khó khăn hiện nay trong công tác quản lý tài nguyên nước là chưa thực hiện lập bản đồ quy hoạch khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngầm. Trước mắt, vẫn không có cơ sở để xác định vị trí nào được phép khai thác và không được phép khai thác, đặc biệt là đối với nguồn nước ngầm. Việc các công trình khai thác vượt hạn mức phải xin phép, vi phạm trong thời gian dài, chỉ dùng biện pháp nhắc nhở, hướng dẫn thủ tục đăng ký khai thác, chứ chưa áp dụng các hình thức xử phạt.
Việc giám sát sau khi giếng được khoan cũng là vấn đề khá nan giải cho các cấp quản lý. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, giếng khoan được người dân sử dụng một thời gian bị hư hỏng, hoặc khoan nhưng do nguồn nước không sử dụng được nên bị bỏ đi khá phổ biến. Ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, do không được cung cấp nước sạch sinh hoạt, nguồn nước mặt bị ô nhiễm, nhiều người dân khoan cây nước bơm tay để sử dụng, nhưng khi khoan xong, nước bị nhiễm phèn nặng, không sử dụng được đành phải bỏ. Giếng nước không sử dụng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nguy cơ gây ô nhiễm mạch nước ngầm là rất lớn. Vì tại các lỗ khoan, miệng giếng nếu không kịp thời trám lấp sẽ là đầu mối dẫn các nguồn nước thải, nước ô nhiễm trên mặt đất xâm nhập vào mạch nước ngầm. Nhận thức về tầm quan trọng cũng như tác hại lâu dài làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước, tỉnh Hậu Giang là một trong những đơn vị đi đầu ở ĐBSCL thực hiện công tác khảo sát và trám lấp các giếng bị hư hỏng. Vì đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm không chỉ cho riêng địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng năm 2004-2005, Sở Tài nguyên - Môi trường Hậu Giang đã trám lấp trên 360 giếng khoan hư hỏng, với kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tráng, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường Hậu Giang cho biết: Việc thực hiện nghiêm chỉnh công tác quản lý, kiểm soát chặt tình trạng khai thác nước ngầm có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Bởi vì, công tác bảo vệ không chỉ mang lại hiệu quả hay lợi ích cho một địa phương hay một tỉnh, mà còn ảnh hưởng chung đến công tác bảo vệ tài nguyên nước của các tỉnh lân cận, của cả vùng. Từ đó, ngành thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về tình hình khai thác tài nguyên nước, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức khai thác tài nguyên nước nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật để thuận lợi trong công tác quản lý, quan trọng hơn là bảo vệ tốt nguồn tài nguyên quý giá này.
Nguồn tin: NHẬT THÙY - Báo Hậu Giang