Quan trắc động thái nước dưới đất vùng Nam Tây Nguyên
Thứ ba - 09/06/2009 22:40
Đoàn quy hoạch điều tra nguồn nước 704 (thuộc Liên đoàn Quy hoạch điều tra nguồn nước Miền Trung) đang thực hiện công tác “Quan trắc động thái nước dưới đất khu vực Nam Tây Nguyên“. Đây là dự án khoa học nằm trong đề án Quan trắc động thái nước dưới đất toàn vùng Tây Nguyên. Dự án này làm tiền đề khoa học cho các ngành chức năng theo dõi có hệ thống và dự báo sự biến đổi về số lượng, chất lượng nước dưới đất, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ nguồn nước. Trên cơ sở nắm được những tư liệu chính xác về nước ngầm, sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên cho toàn vùng.
Từ cơ sở nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn của toàn khu vực, Đoàn 704 đã bố trí hệ thống 70 lỗ khoan sâu theo 3 tuyến xác định: tuyến 1 từ Ea H’leo đi Buôn Hồ (Đắk Lắk)-Krông Nô đến thị xã Gia Nghiã (Đắk Nông); tuyến 2 từ Ea Súp đến Ea H’leo và tuyến 3 từ Buôn Ma Thuột đến Ea K’nốp (Đắk Lắk). Tại mỗi lỗ khoan, đoàn lập một trạm quan trắc. Theo lịch được sắp xếp, trong mùa mưa, cứ 3 ngày cán bộ kỹ thuật quan trắc, đo mực nước 1 lần và trong mùa khố sau 5 ngày quan trắc, đo mực nước một lần. Trong một năm, đoàn lấy mẫu phân tích, xét nghiệm chất lượng nước mỗi lỗ khoan 1 lần trong mùa mưa và 1 lần trong mùa khô.
Qua quá trình nghiên cứu, quan trắc động thái nước dưới đất, đoàn cho biết, do tác động nhiều mặt của con người, nhất là do canh tác nông nghiệp và khai thác lâm sản, nên hiện nay mực nước ngầm và chất lượng nước ở hầu hết toàn khu vực Nam Tây Nguyên đã thay đổi. Trong chục năm qua, về mùa khô mực nước ngầm trung bình toàn vùng thấp hơn những năm đầu thập niên 80 khoảng 1,4-1,5 mét. Những vùng sản xuất cà phê và địa bàn rừng bị tàn phá, mực nước ngầm tụt xuống còn thấp hơn. Đặc biệt, những vùng trồng nhiều cà phê, về mùa khô do phải bơm hút nước tưới quá lớn như ở Buôn Ma Thuột, Krông Buk, Krông Pách, Krông Ana, Cư M’gar (Đắk Lắk), Đắk Mil, Đắk Rlấp (Đắk Nông) mực nước ngầm tụt xuống thấp hơn những năm đầu thập niên 80 từ 3 đến trên 5 mét. Hiện nay, chất lượng nước ngầm ở Nam Tây Nguyên cũng đã biến đổi so với trước. Qua xét nghiệm, phân tích, trong nước ngầm đã phát hiện được hóa chất Nitric và chất Nitrat với hàm lượng thấp. Những hóa chất này xuất hiện trong nước ngầm do, bón phân vô cơ cho cây trồng và chất thải của con người. Trong mùa mưa nước mặt hòa tan, đã mang theo những hóa chất này ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm, làm giảm chất lượng nước ngầm. Tuy vậy, hàm lượng hóa chất này có trong nước ngầm chiếm tỉ lệ rất thấp, chưa ảnh hưởng việc sử dụng, nhưng nếu không biết bảo vệ môi trường và xử lý nguồn chất thải, thì nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm với lượng hóa chất tích đọng nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cho cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn.
Nguồn tin: Nguyễn Tiên Tri - monre.gov.vn