Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông: Công cụ để chia chia sẻ nguồn nước công bằng hiệu quả
Thứ ba - 16/06/2009 22:24
Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông: Công cụ để chia chia sẻ nguồn nước công bằng hiệu quả
Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước ở nước ta xảy ra ngày càng nhiều. Cạnh tranh giữa sử dụng nguồn nước cho phát điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, nhất là cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn... đã trở nên căng thẳng.
Ở những vùng, những lưu vực sông đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra cạnh tranh giữa các ngành, các địa phương dùng nước thì việc phân bổ, chia sẻ sao cho bảo đảm nguyên tắc công bằng và sử dụng nguồn nước hiệu quả là yêu cầu quan trọng để giải quyết mâu thuẫn. Ở những vùng này cần được quan tâm, làm sớm công tác quy hoạch, phân bổ TNN.
Nghị định 120 của Chính phủ về Quản lý lưu vực sông có nêu rõ: Quy hoạch lưu vực sông gồm các quy hoạch thành phần, trong đó có Quy hoạch phân bổ TNN. Quy hoạch phân bổ TNN cần xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ TNN trong khai thác, sử dụng TNN cho cấp nước sinh hoạt, cho các mục đích sử dụng nước khác bao gồm cả nhu cầu cho bảo vệ môi trường trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Trong những trường hợp thiếu nước, có sự cạnh tranh về khai thác, sử dụng nước, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, ngoài ra hiệu quả kinh tế của việc sử dụng một đơn vị thể tích nước (m3) có thể được coi là các tiêu chí dùng để phân tích các kịch bản xác định mức độ ưu tiên và tỷ lệ phân bổ TNN. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, an ninh lương thực... cũng phải được tính đến trong quy hoạch phân bổ TNN.
Trong tình huống hạn hán, thiếu nước xảy ra, theo các chuyên gia có thể áp dụng nguyên tắc ưu tiên cấp nước theo hiệu quả kinh tế sử dụng nước cao nhất : Tất cả hoặc một phần lớn lượng nước còn lại sẽ được ưu tiên cho những ngành nào có hiệu ích sử dụng nước cao nhất. Nhưng, lợi ích kinh tế mà những ngành này được hưởng phải được san sẻ cho các ngành khác chịu thiệt hại do thiếu nước, không có nước để sản xuất, phát triển.
Có thể ưu tiên cấp nước theo mức bảo đảm cấp nước (hay tần suất thiết kế). Lượng nước còn lại sẽ được phân bổ theo mức bảo đảm cấp nước thiết kế của các ngành dùng nước trên cơ sở của tần suất lượng nước đến. Như vậy, ngành nào có mức bảo đảm cấp nước cao sẽ có thứ tự ưu tiên cấp nước cao, ngành nào có mức bảo đảm cấp nước thấp thì đành phải chấp nhận rủi ro.
Cấp nước theo tỷ lệ đã được phân bổ nghĩa là lượng nước còn lại sẽ được phân bổ theo tỷ lệ cho các ngành dùng nước trên cơ sở tỷ lệ phân bổ đã được quy định trong tình huống đủ nước. Theo nguyên tắc này, các ngành đều chịu lượng nước thiếu hụt theo đúng tỷ lệ đã được phân bổ và phải điều chỉnh nhu cầu nước của ngành sao cho thích hợp với lượng nước được phân bổ. Ba nguyên tắc phân bổ nêu trên có thể áp dụng riêng biệt hoặc phối hợp theo từng trường hợp cụ thể của từng nguồn nước và điều kiện kinh tế - xã hội của vùng được quy hoạch.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác lập quy hoạch phân bổ TNN, các cơ quan quản lý cần phải tăng cường ứng dụng các công cụ tính toán kinh tế để đánh giá hiệu quả sử dụng nước; tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị thực hiện lập quy hoạch TNN, bao gồm đầu tư về trang thiết bị, công cụ phần mềm và nguồn nhân lực phục vụ việc lập quy hoạch TNN.
Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Chí Công