Ruộng đồng nứt nẻ vì biến đổi khí hậu
Tài nguyên nước của Việt Nam có nguy cơ suy thoái ngày càng tăng do tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng dẫn đến nước mặn ăn sâu vào các cửa sông, các tầng chứa nước dưới đất bị mặn hóa dẫn đến nguy cơ khan hiếm các nguồn nước nhạt phục vụ cho sinh hoạt, TS. Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch&Điều tra Tài nguyên Nước miền Bắc, nói.
- Thưa Tiến sĩ? TS có thể nói rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước ở nước ta?
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang, và sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của toàn nhân loại. BĐKH được thể hiện ở sự nóng lên của trái đất sẽ dẫn đến các vấn đề như tan băng ở các cực, nước biển dâng, các quy luật về khí tượng bị phá vỡ…
Nước ta nằm ở một bán đảo thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa đặc trưng của bán đảo Đông Nam thuộc đại lục Âu – Á, kéo dài trên 15 vĩ độ, nằm hoàn toàn trong đới nội chí tuyến bán cầu Bắc, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển Đông nên sẽ chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH.
Cho đến nay, nước ta đã ba lần xây dựng kịch bản BĐKH vào các năm 1994, 1998, và 2009. Theo kịch bản 2009 do Bộ Tài nguyên&Môi trường xây dựng vào cuối thế kỉ 21 nhiệt độ tăng lên ít nhất 1,1-1,9 độ C, nhiều nhất 2,1-3,6 độ C, lượng mưa năm tăng lên ít nhất 1,0-5,2%, nhiều nhất 1,8-10,1% và mực nước biển dâng ít nhất 65cm, nhiều nhất 100cm so với thời kì 1980-1999.
Hậu quả của BĐKH còn thể hiện ở việc phá vỡ các quy luật về khí hậu như chế độ mưa, gió thay đổi cả theo không gian và theo thời gian, gia tăng tình trạng hạn hán và lũ lụt.
Tác động của BĐKH đến tài nguyên nước thể hiện ở hai vấn đề. Thứ nhất, nước biển dâng dẫn đến nước mặn ăn sâu vào các cửa sông, các tầng chứa nước dưới đất bị mặn hóa dẫn đến nguy cơ khan hiếm các nguồn nước nhạt phục vụ cho ăn uống sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp, cho tưới cây trồng, cho nuôi trồng các loại thủy sản nước nhạt.
Thứ hai, tình trạng hạn hán và lũ lụt làm cho khả năng điều hòa dòng chảy kém đi, khả năng lưu trữ nước vào các tầng đất đá cũng kém đi dẫn đến dòng chảy kiệt ở các sông thì kiệt hơn, dòng chảy lũ tăng lên, nguy cơ thiếu nước về mùa hạn gia tăng còn về mùa lũ thì gia tăng các tai biến liên quan đến nước như sói mòn, lũ quét…
Nhìn chung, tài nguyên nước của nước ta hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái, nay lại đứng trước nguy cơ chịu tác động mạnh do BĐKH thì nguy cơ suy thoái lại càng tăng.
- TS có thể nõi rõ hơn về tình trạng suy thoái tài nguyên nước ở nước ta hiện nay?
Suy thoái nguồn nước, theo giải thích của Luật Tài nguyên Nước, là sự suy giảm về chất và lượng của nguồn nước. Suy giảm về lượng của nguồn nước được thể hiện bằng sự hạ thấp dần theo thời gian của mực nước, sự giảm dần công suất khai thác theo thời gian, đối với nước dưới đất còn thể hiện ở sự mở rộng dần phễu hạ thấp mực nước.
Suy giảm về chất thể hiện ở sự nhiễm bẩn nhiễm mặn tức là sự tăng dần các thông số đánh giá chất lượng nước dẫn đến vi phạm tiêu chuẩn cho phép.
Sự suy thoái tài nguyên nước ở nước ta thể hiện tương đối rõ đối với nước dưới đất. Kết quả quan trắc nước dưới đất trên 20 năm qua đã ghi nhận sự suy giảm liên tục mực nước dưới đất ở các vùng khai thác mạnh nước dưới đất với tốc độ bình quân: 0,4-0,6m ở các vùng Hà Nội, Vĩnh Yên, Nam Định thuộc đồng bằng Bắc Bộ và 0,6-1,0m ở các vùng TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng thuộc đồng bằng Nam Bộ. Các biểu hiện nhiễm bẩn nước dưới đất quan sát thấy ở vùng Lạng Sơn, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiễm mặn nước dưới đất ở vùng TP Hải Phòng, TP Vinh, TP Đồng Hới, TP Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân của sự suy thoái tài nguyên nước là do khai thác lớn quá giới hạn cho phép, khai thác không hợp lý, không có những giải pháp bảo vệ tầng chứa nước.
Hiện nay ở vùng Hà Nội mỗi ngày khai thác khoảng 800.000 m3 nước dưới đất là rất cao so với các thành phố khác. Xin TS cho biết thực trạng của việc khai thác, thực trạng suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở đây và có những giải pháp gì khắc phục?
Vùng TP Hà Nội có lịch sử khai thác công nghiệp từ nguồn nước dưới đất lâu đời để cung cấp cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, ngày nay khai thác với công suất rất lớn.
Có ba hình thức khai thác chính: khai thác tập trung do công ty kinh doanh nước sạch quản lý, khai thác đơn lẻ do các Cơ quan xí nghiệp tự khai thác để cung cấp cho mình. Việc khai thác vùng nông thôn cũng rất đa dạng, đại đa số là các gia đình tự đào giếng, tự khoan để cung cấp cho mình, một số nơi có sự khai thác cung cấp nước tập trung tức là xây dựng một công trình cấp nước để cung cấp cho cả tụ điểm dân cư như thôn, xóm.
Việc khai thác lớn cộng với vấn đề phát triển đô thị, công nghiệp hóa làm cho nước dưới đất ở đây có nguy cơ suy thoái cao mực nước dưới đất nhất là vùng sa sông Hồng suy giảm với tốc độ lớn, phễu hạ thấp mực nước mở rộng, công suất các bãi giếng vùng nội đô bị giảm nhiều so với thiết kế. Còn về chất ở một số vùng nước dưới đất bị ô nhiễm bởi các hợp chất nitơ, vật chất hữu cơ, vi sinh và một số yếu tố khác.
Sự suy giảm về lượng không phải do khai thác quá mức là mà do khai thác không hợp lý. Tiềm năng nước dưới đất đủ để cung cấp nước cho thủ đô Hà Nội song cần phải quy hoạch lại hệ thống khai thác.
Các bãi giếng khai thác công suất lớn cỡ 100.000 m3/ngày cần được bố trí ở vùng ven sông Hồng và sông Đuống cả hai phía ở bên ngoài đê, càng gần mép nước sông càng tốt, thậm chí có thể thiết kế bãi giếng ở các bãi bồi giữa sông.
Công suất các giếng ở đây có thể gấp từ 3 đến 5 lần vùng xa sông. Khai thác nước vùng ven sông vừa có công suất lớn vừa ít tác động đến môi trường. Vùng xa sông chỉ nên thiết kế các bãi giếng công suất nhỏ khi cần thiết. Cần tiến tới xóa bỏ tình trạng các cơ quan xí nghiệp tự khoan giếng để cấp nước cho mình, xóa bỏ tình trạng mỗi nhà một giếng khoan.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước dưới đất trước hết cần phải có biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế và sử lý chất thải theo đúng quy định, quy hoạch lại nơi đổ các chất thải, các bãi thải và nghĩa trang, trám lấp các lỗ khoan hỏng, khoanh các vùng hạn chế khai thác, cần khai thác. Việc thăm dò và khai thác nước dưới đất cần phải có giấy phép của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Liên đoàn Quy hoạch&Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc có đóng góp như thế nào để phòng chống sự suy thoái tài nguyên nước và ứng phó với BĐKH thưa tiến sĩ?
Liên đoàn Quy hoạch&Điều tra Tài nguyên Mước miền Bắc hiện nay đang được giao nhiệm vụ điều tra đánh giá, quy hoạch và quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn 31 tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra.
Hiện nay chúng tôi đang tích cực tham gia vào đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn mà đang có các biểu hiện suy thoái tài nguyên nước dưới đất gồm Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Quy Nhơn, Ban Mê Thuật, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho. Đó là một trong các đề án ưu tiên của Chính phủ để thực hiện bảo vệ nước dưới đất chiến lược quốc gia về tài nguyên nước giai đoạn 2006-2010 hoàn thành trong giai đoạn 2010-2013 sau đó sẽ tiếp tục thực hiện ở các vùng khác.
Còn việc ứng phó với BĐKH chúng tôi đang đề suất các dự án đánh giá tác động của nước biển dâng đến tài nguyên nước ở các vùng đồng bằng như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ, triển khai xây dựng thí điểm các giải pháp thích nghi ứng phó.
Tiếp theo chúng tôi sẽ đề suất thực hiện các dự án tận dụng dự trữ nước mưa, dự trữ nước, xây dựng các kho dự trữ nước trong lòng đất, các dự án chống mặn hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng nước…
Nước là tài nguyên tái tạo nhưng không phải vô tận nay đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái, nguy cơ chịu tác động mạnh do BĐKH nên càng cần phải được đầu tư thích đáng để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn nước tức là bảo vệ sự sống của chúng ta. Hãy cứu lấy nguồn nước.