Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Tác động của BĐKH đến tài nguyên nước (TNN) là rất phức tạp và cần được nhìn nhận trong mối quan hệ tổng thể với các yếu tố liên quan đến nước.
Báo cáo về phát triển con người trong chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc đã nhận định, Việt Nam sẽ là một trong năm nước trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, đặc biệt là đối với tác động nước biển dâng. Tài nguyên nước sẽ là một trong các yếu tố then chốt khi đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và bởi vậy, quản lý tài nguyên nước (QLTNN) sẽ là một trong các lĩnh vực quan trọng nhất.
BĐKH có thể làm tăng tính khắc nghiệt của các hiện tượng cực đoan như lũ lụt, hạn hán. Nguy cơ thiếu nước do suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động kinh tế-xã hội cũng sẽ trở nên đáng lo ngại hơn khi xét đến các tác động bất lợi của BĐKH đến TNN. Các thiên tai do nước gây ra sẽ khó dự đoán hơn khi có BĐKH và do vậy, công tác phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra cũng sẽ càng khó khăn hơn. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động mạnh mẽ đến các nhà quản lý tài nguyên nước, đặt trên vai họ những thách thức mới, đồng thời mở ra một cơ hội đổi mới mạnh mẽ đối với QLTNN.
Thách thức trước tiên là ngành nước cần định lượng được các tác hại của BĐKH, đánh giá được diễn biến của các nguồn nước trong bối cảnh có BĐKH, đặc biệt là diễn biến của nguồn nước mặt ở các lưu vực sông chính và có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời đề xuất kế hoạch hành động phù hợp. Các vấn đề nổi cộm về tài nguyên nước liên quan đến BĐKH phải được lồng ghép vào chiến lược dài hạn của ngành nước, vào chương trình mục tiêu quốc gia về tài nguyên nước, vào các văn bản pháp luật liên quan đến các nội dung khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và khắc phục các tác hại do nước gây ra. Một thách thức khác, đồng thời cũng là một trong các mục tiêu quan trọng của QLTNN là vận dụng linh hoạt các nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước để điều chỉnh tốt quan hệ cung - cầu về nước, vận dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước, đảm bảo sử dụng nguồn nước bền vững và hiệu quả nhằm ứng phó với nguy cơ suy giảm nguồn nước do diễn biến phức tạp của BĐKH
Từ năm 2007 đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng những hành động cụ thể và tích cực để ứng phó với BĐKH. Cục QLTNN đã tham gia dự án “Thông báo Quốc gia lần thứ II của Việt Nam cho Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (2006 - 2009) với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu” trong hợp phần đánh giá tác động của BĐKH đến tài nguyên nước Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia về TNN, Luật tài nguyên nước đang được sửa đổi cũng lồng ghép các vấn đề liên quan đến BĐKH, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 cũng sẽ lồng ghép các vấn đề liên quan đến BĐKH.
Cùng với những đòi hỏi cấp bách để phát triển đất nước, QLTNN hiện nay cần có những thay đổi tích cực trong bối cảnh của BĐKH. Trước hết, cần quản lý, giám sát TNN đi đôi với quy hoạch TNN theo các lưu vực sông để kịp có các biện pháp nhằm giảm thiểu các tác hại do nước gây ra. Cần thay đổi phương thức quản lý khai thác, sử dụng TNN theo cách quản lý nhu cầu nước cùng với các phương thức khai thác, sử dụng phù hợp với điều kiện BĐKH, đảm bảo quản lý hiệu qủa và sử dụng bền vững TNN. Bên cạnh đó, cần phân định trách nhiệm phù hợp để các bên liên quan có điều kiện tham gia chủ động vào QLTNN; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành liên quan trong hành động ứng phó với BĐKH.
Để thực hiện được những điều đó, trước hết cần tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức để có một hệ thống quản lý đủ mạnh và đủ năng lực thực hiện yêu cầu về quản lý theo xu thế mới. Đồng thời, cần sửa đổi Luật tài nguyên nước, ban hành kịp thời các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực TNN để chủ chương, chính sách của nhà quản lý được người dân thực hiện tích cực, chủ động hơn./.