Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Tài nguyên nước

Tình trạng cạn kiệt nước trên sông Hồng và kiến nghị giải pháp khắc phục

Thứ sáu - 21/05/2010 22:42
Tình trạng cạn kiệt nước trên sông Hồng và kiến nghị giải pháp khắc phục

Tình trạng cạn kiệt nước trên sông Hồng và kiến nghị giải pháp khắc phục

Tình trạng hạn hán, thiếu nước về mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bài báo phân tích tình hình khô hạn trên hệ thống sông Hồng và đề xuất giải pháp công trình điều tiết mực nước nhằm khắc phục tình trạng trên.
1. Đặt vấn đề

Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội quan trọng của đất nước, là nơi có mật độ dân số cao nhất ở nước ta. Trong vùng có nhiều thành phố và công trình quan trọng trong đó có thủ đô Hà Nội. Vì vậy việc quản lý khai thác nguồn nước sông Hồng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.

Từ trước tới nay, vấn đề chống lũ và chống hạn cho ĐBBB nói chung và trên hệ thống sông Hồng nói riêng luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong công tác thủy lợi vùng ĐBBB. Những năm vừa qua, khi mà vấn đề lũ lụt trên sông đã phần nào kiểm soát được thì tình trạng hạn hán lại trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Hàng trăm trạm bơm nước ven sông không thể vận hành do bị hạ thấp đầu nước dưới mức cho phép, hàng trăm ngàn ha đất canh tác có nguy cơ thiếu nước trầm trọng, giao thông thủy bị tắc nghẽn, v,.,v. Điều đó đặt ra một vấn đề cấp bách là phải có những giải pháp tháo gỡ tình trạng cạn, kiệt nguồn nước trên sông Hồng nhằm đảm bảo sự ổn định cho phát triển kinh tế xã hội vùng. Đây không còn là vấn đề mới, nhưng cần phải có sự đầu tư, tập trung cao hơn của tất cả các cấp, các ngành liên quan.

2. Những thách thức và khó khăn

Thiếu hụt nguồn nước: Như chúng ta đã thấy tài nguyên nước có xu hướng suy thoái; do tác động của con người và biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự biến đổi khí hậu có tác động xấu đến sự thay đổi nguồn nước. Dự báo đến năm 2025 nguồn nước của Việt Nam sẽ bị giảm đi khoảng 40 tỷ m3. Tổng lượng nước mùa khô đến năm 2025 có thể giảm đi khoảng 13 tỷ m3. Sức ép về sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội làm cho nhu cầu sử dụng nước tăng về số lượng và đa dạng về chất lượng. Tổng nhu cầu dùng nước cho dân sinh và phát triển các ngành kinh tế-xã hội ngày càng tăng, nhu cầu dòng chảy duy trì môi trường sinh thái hạ du trong mùa khô cũng rất lớn (khoảng 4.300 m3/s). Gần 40% lượng nước hàng năm phát sinh ngoài lãnh thổ trong khi các tranh chấp về sử dụng nước giữa các quốc gia ven sông Quốc tế như sông Hồng ngày càng tăng.

Hạ thấp mực nước: Trong tính toán cân bằng nguồn nước, phải tính đến lượng nước đến tương ứng với lượng nước cho nhu cầu dùng nước và lượng nước duy trì dòng chảy từ thượng nguồn đến các cửa sông ra biển để bảo vệ môi trường sinh thái và nhu cầu nước cho phát triển kinh tế đến tận vùng cửa sông.

Nhu cầu về lượng nước là yếu tố quan trọng nhưng yêu cầu về mực nước trong sông về mùa khô cũng rất quan trọng, vì sau khi có các hồ chứa lòng sông sẽ bị xói sâu, mực nước lại càng xuống thấp. Điều đó ảnh hưởng lớn đến tưới tiêu, đến môi trường sinh thái của cả vùng ĐBBB. Mấy năm qua đến mùa khô ngoài lưu lượng đã xả qua tuốc bin theo kế hoạch phát điện (cũng là lượng nước duy trì dòng chảy) hồ Hoà Bình lại phải xả bắt buộc bổ sung xấp xỉ 1200m3/s để nâng cao mực nước sông Hồng lên nhằm phục vụ chống hạn, tuy nhiên lượng nước được sử dụng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ,  phần còn lại chảy lãng phí ra biển. Điều này đã ảnh hưởng đến quản lý khai thác nguồn điện năng.

Như vậy đối với hệ thống sông Hồng về mùa khô có hai vấn đề cần phải tìm cách khắc phục đó là tình trạng thiếu nguồn nước và tình trạng bị hạ thấp mực nước.

Khó khăn: Thực tế đã cho thấy mấy năm vừa qua về mùa khô tình trạng hạn hán ở ĐBBB đã xẩy ra nghiêm trọng theo chiều hướng hết sức bất lợi. Năm 2004, năm được coi là khốc liệt nhất trong vòng 40 năm qua, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở thời điểm tháng 1/2004 là +2,17m (kiệt nhất có lúc xuống tới 1,75m); Năm 2005 ở cùng thời điểm mực nước xuống đến 2,06m (kiệt nhất có lúc xuống tới 1,5m); Vụ Đông xuân năm 2006 – 2007, mực nước sông Hồng tại Hà Nội giảm xuống còn 1,6m thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Với tình trạng này, dự kiến vụ đông xuân 2006-2007 các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc bộ sẽ có khoảng 142.000-242.000 ha khó khăn về nguồn nước tưới. Tại các địa phương có công trình thuỷ lợi lớn cũng vẫn có khoảng 123.000ha không đủ nước tưới.

Giải pháp chống hạn duy nhất hiện nay vẫn là tích cực nạo vét kênh mương và làm thuỷ lợi nội đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hàng năm đã phải bổ sung hàng chục (có năm lên đến hàng trăm) tỷ đồng để giúp người dân chống hạn. Các ngành chức năng cũng đã phối hợp tính toán, điều tiết xả nước các hồ ở thượng nghuồn với lưu lượng khoảng 1200m3/s (có lúc lên đến 1800m3/s) để bổ sung nguồn nước và tăng mực nước hạ du hệ thống sông Hồng-Thái Bình nhằm giữ mực nước ổn định.

Mặt khác việc cạn kiệt nguồn nước trên sông Hồng đã ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông thủy. Trong tháng 2/2006, khi mực nước sông Hồng dao động trong khoảng từ 1,6-1,9 m, bên cạnh việc nhà nông không thể lấy nước vào đồng, thì tàu thuyền gặp rất nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông, đã có hơn 200 tàu thuyền chở cát và vật liệu xây dựng bị mắc cạn. Theo tính toán của cục quản lý đường sông, với mực nước dưới 1,6 m thì phương tiện không thể vận tải được.

Nhất là thời điểm gần Tết, mỗi ngày có tới 300-400 tàu thuyền qua lại đoạn Hà Nội, đa số các phương tiện lại chở vật liệu xây dựng, do vậy việc điều tiết các phương tiện không phải là dễ dàng. Đây cũng chính là sức ép cho các cơ quan quản lý đường sông trong việc hướng dẫn tổ chức giao thông đường thủy.

Về mùa khô mặc dù đã có hồ Hoà Bình với dung tích 5 tỷ m3 nước đã điều tiết được một phần dòng chảy nhưng tình hình khô hạn vẫn khống kém phần quyết liệt và gây thiệt hại lớn cho sản xuất và dân sinh.

Theo dự báo, trong tương lai kể cả khi đã hoàn thiện các công trình thủy điện thượng nguồn Tuyên Quang, Sơn La), đồng bằng Bắc Bộ vẫn có khả năng thiều nước ngọt. Do đó việc nghiên cứu công nghệ xây dựng các công trình điều tiết ngăn sông Hồng để giữ nguồn nước ngọt, đảm bảo an toàn giao thông thuỷ và đặc biệt là đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ phục vụ cho phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Hồng là một vấn đề khoa học và là một yêu cầu bức thiết.

3. Một số kết quả nghiên cứu về chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ

Đề tài cấp nhà nước KC12.01 “Nghiên cứu cân bằng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sông Hồng và các sông khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Bộ” do PTS. Nguyễn Đình Thịnh (Viện QHTL) làm chủ nhiệm đã cảnh báo sự thiếu hụt nguồn nước ở ĐBBB kể cả khi có hồ Sơn La cao (ở cốt 265m), nhưng chưa đặt vấn đề hạ thấp mực nước trên sông Hồng.

4. Kiến nghị giải pháp

Như vậy, giải pháp khắc phục tình trạng cạn kiệt nước sông Hồng phải giải quyết được 2 vấn đề cơ bản: Giữ tạo được nguồn nước cấp từ thượng lưu và nâng cao được mực nước cho sông Hồng. Và giải pháp đó phải đảm bảo một yêu cầu tiên quyết là không được ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ về mùa mưa.

Từ căn cứ phân tích điều kiện kinh tế và trình độ khoa học công nghệ hiện nay, có thể kiến nghị giải pháp xây dựng các công trình dâng nước sông Hồng để điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và kinh tế - xã hội. Việc xây dựng các công trình dâng nước điều tiết nguồn nước trên các sông rộng nhằm phục vụ dân sinh, kinh tế xã hội nhưng vẫn đảm bảo tốt hơn về giao thông thủy và nhất là không được ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ về mùa mưa. Hệ thống các công trình này được xây dựng theo quy hoạch nhằm cấp nước cho toàn hệ thống. Các công trình này phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản sau:

- Dâng cao mực nước trên sông lên một cao trình nhất định theo tính toán của từng phân đoạn để phục vụ sản xuất, kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái.

- Đảm bảo duy trì dòng chảy môi trường: Công trình ngăn sông chỉ dâng mực nước đến một cao trình nhất định, và qua đập này nước tự động tràn xuống hạ lưu để đảm bảo cung cấp nước cho vùng dưới và đảm bảo dòng chảy môi trường được duy trì bình thường.

- Công trình phải có các âu thuyền để đảm bảo giao thông thủy được thuận lợi.

- Tiết kiệm được lượng nước cấp từ thượng nguồn, không phải lãng phí chảy ra biển, nhằm tiết kiệm nước để phát điện.

- Cuối mùa khô, công trình ngăn sông này phải được tháo ra kịp thời để đảm bảo khả năng thoát lũ như trước khi xây dựng công trình.

Vấn đề đặt ra ở đây là kết cấu, vị trí, quy mô các công trình đó như thế nào để đạt các mục tiêu đề ra với hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất.

Việc xây dựng các công trình ngăn sông tạo nguồn nước không những có tác động tích cực đến việc cải thiện dòng chảy kiệt mà nó còn có tác dụng ngăn chặn khả năng xâm nhập mặn, nhờ vậy không mất thêm nước ngọt để đẩy mặn.

Trong những năm vừa qua, ở nước ta tư duy xây dựng các công trình ngăn sông đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, một số công nghệ mới đã được áp dụng. Trong đó nổi bật là công nghệ ngăn sông dạng đập Trụ đỡ và công nghệ đập Xà lan di động do Viện Khoa học thủy lợi đề xuất nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao cho những vùng ngăn triều giữ ngọt vùng ven biển.

Do tính chất đặc thù của công trình ngăn sông Hồng về mùa khô phải ngăn dòng trữ nước và dâng cao mực nước nhưng về mùa lũ phải trả lại gần như nguyên vẹn mặt cắt ướt cho lòng sông, đặc điểm về địa chất thủy văn công trình (phù sa, cát, sỏi,…), về giao thông thủy bộ,… nên giải pháp công trình tuy mang tính vĩnh cửu nhưng tháo lắp dễ dàng. Ứng dụng kết cấu đập xà lan di động vào giải pháp công trình ngăn sông Hồng là một trong những hướng có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn về kinh tế xã hội nên đề nghị được triển khai nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp để có thể chọn giải pháp tối ưu. Viện Khoa học thủy lợi bước đầu đã có những kết quả nghiên cứu về vấn đề này.

5. Kết luận:

Như vậy, song song với việc nghiên cứu dòng chảy lũ cho hệ thống sông Hồng, vấn đề nghiên cứu dòng chảy kiệt và các giải pháp khoa học công nghệ tương ứng đã đến lúc cần phải được chú trọng, đầu tư một cách đúng mức. Theo kết quả tính toán của ủy ban thế giới về đập, việc sử dụng tổng hợp nguồn nước theo hướng đa mục tiêu mang lại hiệu quả rất lớn, việc xây dựng các công trình điều tiết trên sông nhằm khai thác tối đa nguồn lợi của chúng có một ý nghĩa chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên vấn đề này cần phải được nghiên cứu xem xét một cách khoa học và có bài bản, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giải pháp công trình bởi vì nó không chỉ đảm bảo những nhiệm vụ như cấp nước nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp, phát điện… mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát lũ, điều tiết nguồn nước cho hạ du đảm bảo cân bằng sinh thái môi trường, vận tải thuỷ.

Vì lẽ đó ngay bây giờ cần có một đề tài cấp Nhà Nước nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm trữ nước và nâng cao được mực nước trong hệ thống sông Hồng vào mùa khô, hạn chế nguồn nước lãng phí chảy ra biển  nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển với tốc độ cao của nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh vùng ĐBBB. Đề tài nghiên cứu sẽ làm cơ sở khoa học, tìm ra phương án công trình hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Tài liệu tham khảo

1.PGS.TS. Nguyễn Trọng Sinh, 1996 “Cân bằng bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước quốc gia”, báo cáo khoa học tổng kết chương trình cấp nhà nước KC12, Hà Nội 10/1996.

2.TS. Nguyễn Đình Ninh, 2006 “Công tác chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2006” báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2006 Ban quản lý lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Hà Nội 12/2006.

3.Sỹ Văn Khánh, 2006 “Giao thông thủy nội địa trên lưu vực sông Hồng hai năm 2005 - 2006” báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2006 Ban quản lý lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Hà Nội 12/2006.



 


Nguồn tin: GS.TS. Trương Đình Dụ và nhóm tác giả

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi