Gần một nửa chiều dài con sông này chảy trên lãnh thổ Trung Quốc. Ở đoạn đầu nguồn nằm trên tỉnh Thanh Hải, nó được gọi là sông Dzachu theo tiếng Tây Tạng và Lan Thương Giang theo tiếng Hán (có nghĩa là "con sông cuộn sóng”). Đây là vùng đất tuyết vĩ đại với những ngọn núi cao hơn 5.000m – nơi vẫn chưa có đường sá và nhiệt độ thấp, nơi truyền thống Tây Tạng vẫn còn tinh tuyền. Chính vị thế cô lập của cao nguyên Tây Tạng cho đến những năm gần đây đã giúp giấu che nguồn cội của dòng Mê Kông.
Sông Mê Kông bắt nguồn từ Dzado thuộc khu vực Kham của Tây Tạng
Đàn gia súc của người du mục bên sông
Đập Tiểu Loan ở đoạn sông qua tỉnh Vân Nam
Hết lãnh thổ Trung Quốc, đoạn sông Mê Kông dài khoảng 200 km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanmar và Lào. Tại điểm cuối của biên giới, con sông này hợp lưu với sông nhánh Ruak tại Tam Giác Vàng. Ở đây, bên bờ con sông phía Lào lại tấp nập không khí giao thương. Một biểu tượng rõ nét nhất của hoạt động đầu tư là một mái vòm vàng của sòng bài nhô cao lên từ phía bờ sông thuộc địa phận nước Lào. Bên phía bờ Mianma là Phức hợp Thiên Đàng cực lớn, trong đó có sòng bài Win Win Win. Phức hợp Thiên Đàng này sẽ chẳng bao lâu nữa phủ sang bờ phía Lào, trở thành trung tâm của một khu kinh tế đặc biệt rộng 20 km, và một cụm công- nông nghiệp.
Toàn cảnh Tam Giác Vàng
Sông Mê Kông sau đó tạo thành biên giới của Lào và Thái Lan, trước khi dòng chảy chạy vào đất Lào. Nó được người Lào và người Thái và gọi là Mènam Khong (Mènam nghĩa là "sông"), còn sử Việt Nam thì gọi là Sông Khung. Khoảng sông ở Lào đặc trưng bởi các hẻm núi sâu, các dòng chảy xiết và những vũng nước sâu khoảng nửa mét vào mùa khô. Nó mở rộng ra ở phía nam Luang Prahang, ở đó nó có thể rộng tới 4 km và sâu tới 100 mét, mặc dù dòng chảy của nó vẫn rất trái ngược nhau.
Con sông này sau đó lại làm biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Viêng Chăn, sau đó lại là một đoạn ngắn chảy trên đất Lào. Ở đoạn này, nó bao gồm cả khu vực Si Phan Đôn (bốn ngàn đảo) phía trên thác gần biên giới Campuchia. Thác nước này dài 15 km, cao 18 m, khá hùng vĩ và gần như không thể vượt qua đối với giao thông bằng đường thủy.
Cảnh sông Mê Kông trước hoàng hôn tại biên giới Lào-Thái Lan
Đây cũng là khúc sông nổi tiếng với loài cá tra khổng lồ có chiều dài đến 3m, nặng có con trên 300kg. Tuy nhiên loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới này nay chỉ còn là một động vật quí hiếm. Những con cá lớn mà ngư dân bắt được hiện không thấy ở khu này nữa. Một số các nhà bảo tồn thiên nhiên cho rằng việc đánh bắt quá mức là nguyên nhân khiến số lượng cá tra khổng lồ trên sông Mê Kông giảm đi, và rằng những thay đổi trên thượng nguồn không có mấy tác động đến nơi sinh đẻ của loài cá này. Trong khi đó, những người dân địa phương khẳng định chính tình trạng phá đá trên sông và thay đổi thất thường của mực nước khiến cho cá tra khổng lồ giảm sút.
Con cá tra khổng lồ dài 3m, nặng 300kg đánh được tại hạ nguồn sông Mê Kông
Đồng bằng sông Cửu Long
Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (Ba Thắc) - sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu; và bên trái là Mê Kông - sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền. Cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ, dài chừng 220-250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long, tức "sông chín rồng"
Nguồn tin: Báo Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn