Phó trưởng phòng cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Bình Định Trần Kiến Thiết cho biết, riêng huyện Phù Cát hiện có 4 "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường.
Đó là: Khu vực tận thu titan của công ty Mỹ Tài; Bãi rác thải rắn tại khu thị trấn Ngô Mây; sản xuất nước mắm tại cụm công nghiệp Gò Mít và Khai thác đá xây dựng tại xã Cát Nhơn.
Nếu các điểm nóng này không được chính quyền quan tâm xử lý đến nơi đến chốn thì hậu quả sẽ khó lường.
5 cơ sở sản xuất nước mắm tại cụm công nghiệp Gò Mít (thị trấn Ngô Mây) không xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn qui định. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, các cơ sở này đã thải ra không khí mùi hôi tanh nồng nặc và nước thải tự do xuống các ruộng đồng gần đó làm một số diện tích ruộng của người dân không sản xuất được nữa.
Ô nhiễm do nhà máy chế biến bột sắn tại huyện Phù Mỹ đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước của sông La Tinh chạy qua địa bàn Phù Mỹ và huyện Phù Cát ra cảng Đề Gi. Nhiều dân cư thôn Tân Xuân xã Cát Hanh không chịu được mùi thối bốc lên từ phía nhà máy khi nhà máy này hoạt động.
Môi trường trên địa bàn Phù Cát còn bị ô nhiễm bởi việc khai chế biến ti tan, đá granite... Sau khi khai thác xong, các doanh nghiệp chưa hoàn thổ và trồng cây xanh dẫn đến tình trạng cát bay, xói mòn, sa mạc hoá khu vực mỏ.
Ô nhiễm môi trường nuôi trồng thuỷ sản do không xây dựng hệ thống nước thải và sử dụng nước ngầm để nuôi, dẫn đến nguy cơ nước bị nhiễm mặn...
Cùng với việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các cơ sở sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, theo ông Lương Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, huyện đang qui hoạch 3 bãi chôn lấp rác tại 3 xã Cát Hanh, Cát Trinh và Cát Tường qui mô từ 5.000 - 10.000m2/ bãi; trước mắt tập trung xử lý và tạo điều kiện di dời toàn bộ cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi khu vực thị trấn và tìm nơi phù hợp điều kiện thuận lợi và ít tác động đến môi trường sống xung quanh.