Trạm quan trắc Q597 (Công trình Quốc gia quan trắc nước dưới đất) đặt tại Bạc Liêu, cho biết: Mực nước của các tầng chứa nước trong những năm qua sụt giảm nhiều, nhất là vào mùa khô. Lượng nước mưa hàng năm bù chưa đến 1m.
Bạc Liêu hiện có trên 96.000 giếng nước của các gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và gần 100 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung đô thị và nông thôn. Trên 100 cơ sở tư nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan giếng nước, chưa kể những hộ dân tự mở dịch vụ khoan giếng nước mà không xin giấy phép.
Các cơ sở khoan giếng nước lậu mọc lên như nấm, không nghiên cứu địa tầng và quan trắc. Hầu hết các chủ khoan “chui” này đều đưa ra giá cả “hấp dẫn”... nhưng hậu quả là nguồn nước ngầm không được xử lý và khai thác hợp lý, dễ bị nhiễm arsen. Đặc biệt vào mùa khô, tại địa phương xảy ra thiếu nước sinh hoạt, tình trạng khoan giếng “chui trong dân khá phổ biến. Theo các nhà khoa học, tình trạng nhiễm độc arsen lâu ngày có thể gây bệnh ung thư, viêm răng hay hủy hoại đường ruột… Đó là chưa kể một số hậu quả khác như sụt lún đất, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt và ô nhiễm.
Nghị định 149/2004/NĐ-CP đã quy định chi tiết các trường hợp buộc xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Thế nhưng, nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan vẫn phớt lờ quy định này. Ngoài việc bị sụt giảm, nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh còn đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm. Đặc biệt, có hơn 1.400 giếng nước đã qua sử dụng bị hư hỏng không được xử lý trám, lấp đúng quy trình kỹ thuật, gây ô nhiễm nặng. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần siết chặt quản lý hoạt động thăm dò, khai thác nước ngầm.