Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Tin thanh tra

Bắt mạch tình trạng ô nhiễm tại TPHCM Bài 2: Di dời đi đâu?

Thứ ba - 28/10/2008 22:25
Nước thải đổ lênh láng ra sân của Công ty TNHH Giấy và Bao bì Thăng Long. Ảnh: A.N.

Nước thải đổ lênh láng ra sân của Công ty TNHH Giấy và Bao bì Thăng Long. Ảnh: A.N.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, tính đến thời điểm này vẫn còn gần 20 cơ sở nằm trong danh sách phải di dời ra khỏi khu dân cư chưa biết đến bao giờ mới… di dời; gần 40 cơ sở khác cũng nằm trong danh sách này nhưng khá hơn là tuy chưa di dời nhưng đã có… kế hoạch di dời. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở “lọt” khỏi danh sách song cũng đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ở các khu dân cư.
Thấy là... sợ

Đó có lẽ là cảm giác chung của những người lần đầu tiên chứng kiến cảnh sản xuất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường như chúng tôi. Đơn vị đầu tiên nằm trong danh sách “viếng thăm” của Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường ngày 23-10-2008 là cơ sở nhuộm Phú Thịnh ngụ tại 1/50 B1 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Vừa mới tới đầu hẻm, chúng tôi còn thấy khói đen bốc lên nghi ngút từ khu vực sản xuất của cơ sở.

Thế nhưng, chỉ trong chớp mắt, xe vừa thắng trước cửa cơ sở là làn khói đen ấy nhỏ dần và tắt hẳn. Đoàn Thanh tra bước nhanh vào cơ sở, một mùi nồng nồng khó chịu, không khí nóng cùng ánh sáng lờ nhờ vây lấy mọi người. Mặt sàn chèm nhẹp nước nhuộm. Dây điện thấp lè tè, chăng ngang dọc như mạng nhện. Tất cả công nhân làm việc ở đây hoàn toàn không có quần áo bảo hộ lao động ngoài đôi ủng.

Chủ cơ sở đi vắng, chỉ có một người đại diện tên Nguyễn Thị Bích Vân lúng túng không giải thích được tại sao cơ sở vẫn đang hoạt động, nước thải vẫn đang thải ra mà bồn chứa sỏi lắng lọc (một công đoạn trong hệ thống xử lý nước thải) của cơ sở vẫn… khô khốc. Chủ cơ sở nhuộm tên Nguyễn Quốc Huy nằm gần đó thì tỏ ra hợp tác hơn với đoàn. Một thanh tra viên đã được tạo… “điều kiện” hứng một can đầy nước thải đen ngòm từ ống xả nước thải của cơ sở (để xác định mức độ gây ô nhiễm).

Cũng chẳng giấu giếm đoàn, chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi không có hệ thống xử lý nước thải. Tất cả nước thải đều đổ thẳng ra kênh Tham Lương đằng sau nhà”. Ông phân bua: “Chúng tôi sắp bị giải tỏa theo dự án cải tạo kênh Tham Lương nên không làm hệ thống xử lý nước thải(?)”. Thế nhưng, khi bị đoàn kiểm tra lôi ra sự thật, cơ sở hoạt động từ năm 2001 và bao nhiêu năm ấy hoàn toàn không xử lý nước thải thì ông chủ này… im lặng.

Chủ cơ sở nhuộm Vũ Văn Tuấn nằm gần đó cũng… rất dễ thương khi thành thật thừa nhận cơ sở hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải. Chưa hết, anh ta còn “chân thành” tâm sự: “Chi phí xử lý nước thải lên tới gần 1 triệu đồng/ngày, đó là chưa kể đến kinh phí lắp đặt hệ thống. Nếu chỉ có tôi đầu tư mà người khác không làm thì cơ sở không cạnh tranh nổi”. Anh ta cũng cho biết, gia đình đã có mấy người đưa cơ sở nhuộm (của họ) vào hoạt động trong các khu công nghiệp nhưng chỉ vài năm sau là phá sản vì “chi phí xử lý nước thải đã làm đội giá thành sản phẩm” . “Tất cả cơ sở nhuộm đều làm hệ thống xử lý nước thải thì tôi sẽ làm(!?)”, anh ta khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường “viếng thăm” những cơ sở này. Trước đó vài tháng, họ đã ghi nhận và ra nhiều quyết định phạt về những hành vi gây ô nhiễm môi trường ở đây…

Vì sao khó?

Đầu tiên có lẽ vì hầu hết các cơ sở đều có thái độ giấu giếm hành vi gây ô nhiễm của mình. Công ty TNHH Giấy và Bao bì Thăng Long nằm ở quận 9 đã từng bị nhắc nhở về hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Thế nhưng trong ngày 23-10-2008 khi đoàn Thanh tra đến thì nước thải chưa qua xử lý vẫn chảy lênh láng trong xưởng.

Giám đốc công ty là ông Trần Văn Long cố phân bua: “Hệ thống ống thu nước bị hư, nước thải bị rò rỉ”. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra chỉ ra được một đường ống nước thải đang chảy ồ ồ ra con rạch sau công ty, thì họ mới thôi “thanh minh thanh nga”.

Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường, bà Lê Thị Kim Oanh, đã ra quyết định: buộc đơn vị ngưng hoạt động công đoạn gây thải cho tới khi khắc phục xong. Năn nỉ, kể lể khó khăn… đến cả mấy tiếng đồng hồ, cơ sở chịu ngưng sản xuất với điều kiện được “chạy” cho hết mẻ giấy-nghĩa là thêm vài giờ nữa (?).

Thế nhưng, đó không phải là vấn đề khó xử lý nhất của đoàn Thanh tra. Ngành chức năng, cơ quan Nhà nước ở địa phương thiếu nhân lực cho công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường đã và đang là một thực tế khiến cho các đại gia gây ô nhiễm… “khó bảo”.

Anh Đặng Hải Bình, chuyên viên môi trường của Phòng Quản lý đô thị quận 12 cho biết, toàn phòng chỉ có 4 người làm công tác bảo vệ môi trường trong đó có 1 cán bộ quản lý. “Ba lính mà phải đảm nhận công tác kiểm soát khoảng 200 doanh nghiệp trên địa bàn thì chỉ xoay vòng thôi, một năm cũng không cách nào làm hết việc”.

Tình hình ngành chức năng không thể quán xuyến hết công việc thì gần như một tất yếu, đối tượng bị kiểm soát cũng lờn. Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là phần khó nhất của vấn đề. Khó khăn nhất trong công tác xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm là không tìm được hướng ra cho họ. Cơ sở Nguyễn Quốc Huy và Vũ Văn Tuấn là 2 cơ sở đều đã di dời khỏi trung tâm quận 11 theo kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm của thành phố. Lúc ấy, họ đã đến quận 12 mua đất nông nghiệp, xây nhà xưởng.

Chính quyền địa phương có đến phạt hành vi xây dựng trái phép nhưng sau đó vẫn cho tồn tại. “Bây giờ di dời nữa, chúng tôi không biết đi đâu. Vào khu công nghiệp thì chúng tôi không đủ tiền?”, họ nói. Theo tính toán của 2 cơ sở trên, nếu khu nhà xưởng được Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương thì họ cũng chỉ được bồi thường hơn 1 tỷ đồng vì đất xây dựng thực chất là đất nông nghiệp.

Ở một quy mô lớn hơn nhưng Công ty TNHH Giấy và Bao bì Thăng Long quận 9 cũng được xây dựng trên đất nông nghiệp, nhà xưởng xây trái phép và nộp phạt 10 triệu đồng để được tồn tại. Tình huống này làm chúng tôi nhớ đến chuyện đang xảy ra ở huyện Củ Chi mà chúng tôi đã có dịp đề cập trong bài 1 “Mua đất xây nhà xưởng: quá dễ!”. Căn bệnh mà hiện nay quận 12 và quận 9 cùng Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM chưa tìm được hướng ra đang lặp lại ở huyện Củ Chi.






Nguồn tin: Nguyễn Khoa - sggp.org.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi