Bộ Công thương nhận định khu công nghiệp đang trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm của nhiều nơi. Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang về định hướng quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành nhằm giảm ô nhiễm môi trường
Hiện chỉ 30% nước thải từ các khu công nghiệp được xử lý, vậy khi nào ô nhiễm ở các khu công nghiệp sẽ không còn?
Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2010 tất cả các khu công nghiệp phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề vì trong số gần 200 khu công nghiệp, hiện chỉ có 40 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, 20 khu công nghiệp đang đầu tư và 20 khu công nghiệp đang có kế hoạch xây dựng. Còn xử lý chất thải rắn, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên xây tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Nhưng cái khó là không địa phương nào sẵn lòng chừa đất làm việc đó. Nếu làm không tốt thì các bãi rác đó sẽ rất nguy hiểm, nhưng nếu làm tốt thì không vấn đề gì, chẳng hạn như Đan Mạch, không ai nói họ coi thường môi trường, nhưng vẫn nhận chất thải hạt nhân từ các nhà máy điện hạt nhân để chôn.
Thưa Thứ trưởng, sẽ có những biện pháp cụ thể gì để đảm bảo phát triển, nhưng giảm được các tác động xấu đến môi trường?
Có lẽ việc đầu tiên phải hoàn thiện những bất cập, khiếm khuyết của pháp luật về bảo vệ môi trường từ luật Bảo vệ môi trường đến các văn bản hướng dẫn. Khi quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển các khu công nghiệp đã có lưu ý đến bảo vệ môi trường, nhưng khâu kiểm tra, thanh tra sau cấp phép đầu tư làm chưa tốt. Vì thế công tác quy hoạch phải được củng cố, những yêu cầu môi trường phải cụ thể hơn, và quan trọng là quản lý quy hoạch phải nghiêm túc. Nhà đầu tư phải có biện pháp xử lý môi trường. Có thể việc đầu tư sẽ tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ tạo được môi trường tốt. Chính sách phát triển công nghiệp phải được nhìn lại, không vì mục tiêu tăng trưởng, mà lơ là yêu cầu về môi trường; đồng thời nếu kiểm tra, xử lý nghiêm đối với vi phạm về môi trường, tôi tin chắc sẽ giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm.
Việc tồn tại những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm có liên hệ gì với việc quy hoạch lại các khu công nghiệp?
Sẽ bớt các khu công nghiệp đa ngành, mà hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành. Thí dụ khu công nghiệp chuyên luyện kim, hoá chất; dệt, nhuộm, thuộc da… mà mỗi ngành nghề có đặc trưng riêng về nguy cơ gây ô nhiễm. Nếu quy hoạch mang tính định hướng cao, tập trung lại, thì việc xử lý môi trường sẽ dễ dàng hơn. Mong muốn của chúng ta là phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp tri thức, nhưng hiện phải chấp nhận sự tồn tại các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm. Thế thì phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, nhằm giảm ô nhiễm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu chúng ta không làm tốt trách nhiệm với môi trường, thì không thể bán được hàng.
Nói vậy thì sẽ có việc tổ chức, sắp xếp để hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, thưa ông?
Các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp ở các địa phương, cái nào đã có sẵn thì phải có biện pháp xử lý, khiếm khuyết chỗ nào, thì hoàn thiện ngay. Các khu công nghiệp mới thành lập thì chú trọng xây dựng theo các cụm công nghiệp, các khu công nghiệp chuyên ngành. Bộ Công thương đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch tổng thể các ngành công nghiệp Việt Nam. Định hướng chung là phát triển nhóm ngành công nghiệp cơ bản (năng lượng, luyện kim, cơ khí, hoá chất); nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp công nghệ mới. Mỗi nhóm ngành như vậy sẽ có giải pháp khác nhau, và phân bố tại những nơi không ảnh hưởng đến môi trường chung, chẳng hạn xa khu dân cư, khu du lịch.