Cần thay đổi cách "xử" đối tượng vi phạm môi trường!
Thứ tư - 07/01/2009 00:32
Ông Bùi Cách Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục TNMT: "Xử lý vi phạm môi trường: Vướng ở luật!".
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) khẳng định: Những tồn tại trong việc xử lý những sai phạm môi trường thời gian qua, chủ yếu vẫn vướng ở luật!
Năm 2009, mấu chốt là thanh tra, kiểm tra!
- Năm 2008 là năm rất nhiều vụ việc vi phạm môi trường của các DN lớn được báo chí phanh phui, ví dụ như vụ việc của Vedan, sau đó là Miwon… Tuy nhiên, hướng xử lý chủ yếu vẫn là xử phạt vi phạm hành chính đối với DN. Việc tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Tại sao hướng xử lý này lại áp dụng rất ít, thưa ông?
- Việc xử phạt theo hướng đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vi phạm môi trường, thực ra cần có lộ trình. Nếu mình chưa có sự vận động, tuyên truyền hay thống nhất về biện pháp mà làm mạnh ngay sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, công ăn việc làm… của người dân.
Sau khi có những sự chuẩn bị về luật pháp, tâm lý, kiến thức thậm chí trang bị cho DN đạo đức kinh doanh, đạo đức ứng xử với môi trường… dần dần họ sẽ tìm cách khắc phục.
Theo quá trình đó, mình sẽ hoàn chỉnh các biện pháp chế tài thông qua hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, thống nhất về ý chí trong quản lý nhà nước. Những nước phát triển cũng phải qua những giai đoạn như mình. Chúng ta đi sau, cũng cần phải học hỏi những nước đã đi trước.
- Hướng xử lý những DN vi phạm môi trường thời gian tới là gì, thưa ông?
- Lãnh đạo Bộ TN-MT đã có chỉ đạo cho ngành tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, bám sát thực tế, phối kết hợp với địa phương, đẩy mạnh cường độ thanh tra kiểm tra, hướng dẫn phối hợp. Năm 2009, mấu chốt là ở công tác thanh tra kiểm tra đánh giá kèm theo những biện pháp hành chính. Vấn đề môi trường không phải là vấn đề đơn giản, không thể giải quyết một sớm một chiều.
- Vừa qua, chúng ta mới chỉ xử lý hành chính đối với DN vi phạm chứ chưa xử lý cá nhân. Lý do tại sao, thưa ông?
- Nói như vậy là hàm ý tới Vedan. Cái này mình cũng phải hoàn chỉnh lại hệ thống luật pháp của mình. Trong đầu tư vào VN có rất nhiều nước, và mình cũng tham gia rất nhiều công ước quốc tế, vì thế làm cái gì cũng phải trông trước trông sau để cho tất cả các yếu tố đồng bộ với nhau, tránh cái này vênh với cái kia… gây ảnh hưởng tới bức tranh đầu tư chung.
Bộ TN-MT, thậm chí các địa phương cũng có những đề xuất hoàn chỉnh lại các hệ thống chính sách pháp chế, luật lệ, quy chế… Khi đã chuẩn hoá rồi thì các vấn đề sẽ được giải quyết trơn tru.
Cái này là do nền tảng tư duy của ta từ trước tới giờ chưa chú ý tới vấn đề đó. Nó phải được cải thiện thời gian tới. Cho nên vừa rồi nó bộc lộ một loạt các vấn đề. Trên cơ sở tổng kết đề ra những hướng đi nhằm giải quyết từng loại vấn đề được liệt kê theo thứ tự ưu tiên, cái nào nóng thì giải quyết trước để cải thiện tình hình. Cái nào ưu tiên thấp hơn thì giải quyết sau. Đó cũng là một loạt khó khăn trở ngại trong quá trình xử lý thời gian vừa rồi.
- Cụ thể, việc hạn chế xử lý hành chính cá nhân vi phạm môi trường đang vướng ở vấn đề gì?
- Theo luật, nếu DN vi phạm môi trường phải phạt vi phạm hành chính trước, nhiều lần không nghe mới truy tố. Ở trường hợp Vedan, mình chỉ phạt hành chính công ty chứ đâu phạt ông giám đốc. Thành ra nó không có quy chuẩn. Bộ TN-MT đã họp với rất nhiều cơ quan luật pháp, kể cả cảnh sát môi trường để lấy ý kiến. Cần phải nghiên cứu kỹ hơn, cẩn trọng hơn.
Đã đến lúc cần phải thay đổi cách xử phạt!
- Như thế, vấn đề xử phạt cá nhân là vướng trong vấn đề luật pháp hay vướng trong vấn đề tư tưởng?
- Chủ yếu là do hệ thống luật của mình. Khi mình xử lý những công ty gây ra ô nhiễm, hướng xử lý theo công ty, theo DN chứ chưa có hướng xử lý cá nhân. Đó là một cách làm phổ biến rồi. Đã đến lúc cần phải thay đổi.
- Hiện nay, người dân gặp khó khăn trong việc yêu cầu DN gây ô nhiễm bồi thường cho họ. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Trong cảm quan của người dân, khi một DN gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, họ sẽ gửi khiếu nại tới địa phương. Thế nhưng, phía chính quyền địa phương lại có một lý luận khác: đây là một vấn đề dân sự. Một DN, đơn vị là 1 tổ chức dân sự làm kinh tế gây thiệt hại tới cá nhân, đó là quan hệ dân sự. Người dân phải khiếu kiện thông qua con đường toà án. Chính quyền là cơ quan vừa quản lý các DN đóng trên địa bàn theo hệ thống pháp luật, lại vừa quản lý vấn đề an sinh xã hội của người dân nên không thể đứng ra giải quyết vì không hợp. Đó là lý luận của nhiều địa phương.
Người dân Việt Nam, nhất là người dân ở nông thôn, họ chưa có hệ thống thông tin đầy đủ nên việc khiếu kiện rất trở ngại. Nhiều tổ chức dân sự xã hội tình nguyện hỗ trợ cho nông dân (như Hội Nông dân, Hội Luật gia…), nhưng chưa ngã ngũ. Thành ra, có cảnh tại một số địa phương người dân gửi đơn lên chính quyền nhưng chính quyền từ chối.
Việc này đòi hỏi một chủ trương từ bên trên, phải có sự nối kết như thế nào đó với tất cả các bên để có sự hợp luật, hợp tình, hợp lý chứ không thể nhất bên trọng nhất bên khinh, như thế mới phát triển được.
Cống xả nước thải từ Nhà máy Vedan
ra sông Thị Vải.
Ảnh: CTV
- Hiện nay xảy ra tình trạng nhiều DN gây ô nhiễm trên một dòng sông. Làm thế nào để xác định được mức độ gây ô nhiễm của từng DN để quy trách nhiệm?
- Đây là một vấn đề lớn thuộc về vấn đề kỹ thuật. Các nước phát triển quản lý theo tiêu chuẩn dòng (tream standard), vì mỗi một vực nước có một tổng tải lượng chịu được của nó. Người ta phân tổng tải lượng đó cho các DN hai bên dòng sông.
Như vậy, nếu tổng tải lượng xả của các DN vượt quá quy định của CP sẽ bị phạt hàng loạt, lúc đó các DN tự giải quyết với nhau.
Nếu mình chỉ dùng tiêu chuẩn dòng, lượng xả ra cho phép có thể đạt cho 1 DN, nhưng tất cả các DN cộng lại sẽ vượt mức chịu được của dòng sông. Bởi vậy trong việc bảo vệ chất lượng của các lưu vực nước, phân thành 2 loại: tiêu chuẩn của điểm xả và tiêu chuẩn của dòng sông.
Xu hướng hiện đại người ta áp dụng tiêu chuẩn dòng: dòng sông này phục vụ mục đích gì, sử dụng lấy nước sinh hoạt hay du lịch, dùng để nuôi trồng thuỷ sản hay lấy nước làm mát cho công nghiệp. Mỗi một loại sông như thế đòi hỏi một chất lượng riêng. Các DN phân bố dọc ven sông phải thoả mãn tiêu chuẩn dòng. Có như thế mới đảm bảo được.
- Quản lý bằng phương pháp tiêu chuẩn dòng đã có ở VN chưa, thưa ông?
- Ở nước ngoài người ta đã áp dụng rất nhiều. Việt Nam chỉ... dạy trong các trường ĐH cho sinh viên. Chúng ta chưa chú trọng lắm. Tuy nhiên, cũng cần phải có lộ trình!