Sau khi có nhiều đơn khiếu nại tố cáo, kết luận của đoàn thanh tra, làm việc với các bên liên quan, ngày 2.6.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông kết luận: Chủ đầu tư (Cty cổ phần thủy điện Sông Miện 5) vận hành hồ chứa cao hơn so với MNDBT theo thiết kế cơ sở được phê duyệt là 7,7 m và cao hơn cả mực nước lũ thiết kế tới 5,4m (?!); Cao trình ngưỡng xả tràn đập hiện trạng là 153,8m3, cao hơn thiết kế cơ sở được duyệt là 6,1m; cao trình đỉnh đập hiện trạng là 163,1m, cao hơn thiết kế cơ sở được duyệt là 3,3m (các thông số này đo vào đầu năm 2015).
Thủy điện Sông Miện 5A.
Điều đáng nói là ngay từ tháng 10.2012 Bộ Công thương đã có Quyết định số 6210 ban hành quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Sông Miện 5. Theo đó ở khoản 1, Điều 8 quy định rất rõ: “Quy định về cao trình mực nước trước lũ của hồ chứa thủy điện Sông Miện 5 trong thời kỳ mùa lũ không được vượt quá mức nước dâng bình thường ở cao trình 155m. (trong khi xác minh thực tế của đoàn thanh tra thì mực nước dâng bình thường lên tới 162,7m)”.
Theo một số chuyên gia tính toán, với diện tích lưu vực xấp xỉ 2.000km2 và mực nước thực tế của lòng hồ cao hơn thiết kế như vậy thì, lượng nước tích thực tế ở lòng hồ sẽ tăng từ 9 triệu mét khối (theo thiết kế) lên tới 15 triệu mét khối. Chưa tính diện tích đất rừng bị xâm hại bao nhiêu, các hộ dân ở vùng này bị thiệt hại thế nào, chỉ đặt ra giả thiết, nếu không may “quả bom” nước khổng lồ này bị bục thì hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào tới vùng hạ lưu, trong đó có thành phố Hà Giang với cả trăm nghìn người sinh sống (cách công trình này khoảng 10km)?
Có không những cái “ô”?
Một câu hỏi lớn được đặt ra ở công trình này là: Vì sao sớm phát hiện ra những sai phạm của công trình này nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời?
Câu hỏi này được đặt ra không chỉ vì các thông số cơ bản, quan trọng bậc nhất với công trình thủy điện bị vi phạm nghiêm trọng mà xung quanh nó còn khá nhiều điều khó hiểu. Chẳng hạn, chủ đầu tư đã tự ý chôn các cột mốc và hàng rào dây thép gai ngoài phạm vi đất dự án được giao. Hoặc khi giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất, bồi thường GPMB và tái định cư.
Đến khi công trình này đi vào vận hành mực nước chứa thực tế cao hơn nhiều so với thiết kế nên gây ngập lụt đất của dân lớn hơn mức đã bồi thường, sinh ra khiếu kiện của 42 hộ dân. Đến khi làm hồ sơ đền bù bổ sung cũng không lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định, không bổ sung hoàn thiện phương án bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư để phê duyệt theo quy định. Đây là việc làm tùy tiện, thiếu trách nhiệm và nó là một trong những nguyên nhân sinh khiếu kiện gay gắt, tranh chấp kéo dài.
Vậy có hay không những cái “ô” để chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng những thông số quan trọng bậc nhất đối với công trình thủy điện?
Tác giả bài viết: VƯƠNG HÀ
Nguồn tin: laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn