Ở địa phương, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý tài nguyên nước ở địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ như: tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Tiền Giang...
Trong công tác quy hoạch tài nguyên nước, từ năm 2011 đến nay, cơ bản hoàn thành dự án “Quy hoạch Quản lý sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015 và định hướng đến 2020”; đã hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Srepok và vùng sông Hậu; hoàn thành lập đề cương đề án Chính phủ “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh” (gồm 11 lưu vực sông lớn). Ở địa phương, công tác quy hoạch tài nguyên nước đã từng bước được triển khai và đáp ứng được yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Tính đến nay đã có 30 địa phương ban hành quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh.
Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử thông qua các hình thức xây dựng các phim, ảnh, các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân, xuất bản Bản tin tài nguyên nước… Đặc biệt, từ năm 2011, việc tổ chức lễ mít tinh quốc gia và chuỗi các sự kiện bên lề hưởng ứng Ngày nước thế giới 22 tháng 3 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai.
Tại các địa phương, năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã có 25 địa phương tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước cho đối tượng là cán bộ ở cấp xã, huyện, cộng đồng, doanh nghiệp trên địa bàn.
Công tác thanh tra, kiểm tra được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý tài nguyên nước. Hàng năm, cấp Trung ương và địa phương đều xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra định kỳ tình hình triển khai, thi hành pháp luật về tài nguyên nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước tại một số cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 4 đợt kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân. Các địa phương cũng tích cực triển khai thanh tra, kiểm tra tổng số hơn 800 tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước các cấp và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước được tăng cường, đẩy mạnh. Đối với một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội, một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Công tác đánh giá cảnh báo, dự báo tác động biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước đã được thực hiện ở các vùng Đồng bằng Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển miền Trung (Đà Nẵng đến Phú Yên) và lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn.
Thực hiện xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, giai đoạn 1 xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Bước đầu triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam-Cam Pu Chia. Triển khai nâng cấp và xây dựng mới hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước trên các vùng kinh tế trọng điểm như vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tính đến thời điểm hiện nay có 714 công trình (707 công trình nước dưới đất, 7 công trình nước mặt). Nhìn chung, công tác điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước đã được tích cực triển khai thực hiện.
Đối với công tác cấp giấy phép tài nguyên nước, năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 126 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; các địa phương đã cấp và gia hạn gần 3000 giấy phép.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên thì còn một số nội dung đề ra trong kế hoạch chưa thực hiện được hoặc hiệu quả đạt được chưa cao do một số nguyên nhân như sau: Đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ quản lý và các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu; Mạng lưới trạm quan trắc, điều tra tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ; Công nghệ, thiết bị, kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn lạc hậu; Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước;....
Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2015
Trong 6 tháng cuối năm 2015, lĩnh vực tài nguyên nước tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm chính như sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới được ban hành; hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án “Nghiên cứu, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến vấn đề sụt lún nền đất khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long, đề xuất giải pháp khắc phục, giải quyết trước mắt và lâu dài”; Tích cực xây dựng và ban hành các Thông tư Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư Quy định việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn hàng năm trên các lưu vực sông: Trà Khúc, Mã, Cả, Hồng, Hương, Kôn và Đồng Nai; Đẩy mạnh công tác cấp phép về tài nguyên nước, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.