"Ăn hai đầu” khi nhập rác thải
Theo Bộ Công an nhận định, hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội nước ta đều “có mặt” của tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm với thủ đoạn hết sức tinh vi.
Trong lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phương thức “tạm nhập, tái xuất”, dưới hình thức như kê khai hải quan gian dối hoặc kê khai hàng miễn kiểm, nguyên liệu sản xuất, thiết bị do chuyển giao công nghệ, dự án phát triển kinh tế… để nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu, sắt thép phế liệu, nhựa tái sinh chứa rác thải nguy hại.
Đây là một nguồn nguyên liệu giá rẻ nên các doanh nghiệp, bất chấp các quy định của pháp luật, liên tục vi phạm với quy mô và số lượng lớn. Có doanh nghiệp nhập khẩu cả ắc quy chì đã qua sử dụng.
Tại Hải Phòng và một số địa phương đã diễn ra hoạt động nhập rồi phá dỡ tàu cũ, thải ra môi trường các chất thải độc hại như dầu mỡ, bụi xỉ chứa kim loại nặng… gây nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
Điển hình như vụ Công ty Huyndai Vinashin (Khánh Hòa) thải ra hàng trăm ngàn tấn hạt xỉ đồng (hạt NIX) khiến đất và nước thải tại khu vực có xỉ đồng có hàm lượng chì gấp 21 lần tiêu chuẩn cho phép, thành phần các kim loại nặng khác như đồng, Cadimi… cũng vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.
Về phía các doanh nghiệp nhập khẩu thì đây là hoạt động thu lợi nhuận rất cao vì được “ăn hai đầu”: Vừa được tiền do chủ các nguồn chất thải chi trả để thu gom, vận chuyển, lại vừa được các cơ sở sản xuất trong nước mua lại để tái chế sử dụng. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp lại giở chiêu bài “gửi nhầm hàng” và xin chuyển trả lại!
Một lĩnh vực gây nhức nhối nữa là tình trạng hầu hết các bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc có nhưng chất lượng nước sau khi xử lý cũng không đạt yêu cầu. Hàng ngày, đặc biệt là các bệnh viện lớn như BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình TPHCM… thải ra một lượng rác thải, nước thải rất lớn nhưng phần lớn là chưa qua xử lý.
Nhiều bệnh viện thậm chí còn xả nước thải chưa qua xử lý vào… cống thoát nước chung của thành phố! Thậm chí, Khoa phẫu thuật của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đưa bệnh phẩm thải ra chung với rác thải sinh hoạt! Chính tình trạng dễ dãi trong quản lý và xử lý chất thải y tế khiến rác thải y tế bị tư nhân hoặc cơ sở mua phế liệu thu gom, mua bán nhằm tái chế, sản xuất đồ dùng sinh hoạt gây nguy cơ lây truyền dịch bệnh nguy hại cho sức khỏe con người.
Sẵn sàng nộp phạt để… tiếp tục vi phạm
Thời gian qua, các vụ như Công ty Vedan Việt Nam “đầu độc” sông Thị Vải, Công ty thuộc da Hào Dương xả nước thải trực tiếp, không qua xử lý ra sông Đồng Điền… đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Qua kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), hạ lưu các sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy… đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do phải hứng chịu rất nhiều rác thải, nước thải trực tiếp từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra.
Trên địa bàn các tỉnh tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, Hải Phòng… nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C36 cho biết, nóng bỏng nhất của tình trạng vi phạm môi trường chính là lĩnh vực hoạt động sản xuất, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề truyền thống.
Khi lập dự án hoặc mở rộng quy mô sản xuất, các doanh nghiệp không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc lập dự án sản xuất, kinh doanh dưới mức phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng thực tế quy mô sản xuất, kinh doanh lớn hơn nhiều. Để tránh bị kiểm tra, giám sát và giám định chất thải môi trường định kỳ, nhiều doanh nghiệp không lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải. Thậm chí, có doanh nghiệp như Công ty Hào Dương xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó khi có thanh, kiểm tra.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho thấy, trong số hàng chục ngàn dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phần lớn các dự án (kể cả dự án liên doanh trong nước và ngoài nước) thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện các yêu cầu về môi trường. Có đến 90% cơ sở được kiểm tra, thanh tra có vi phạm về môi trường; 70% các khu công nghiệp không có hệ thống nước thải và cả nước có tới 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Tính đến nay, mức xử lý hành chính cao nhất là trường hợp sai phạm của Công ty Vedan, tuy nhiên cũng chỉ phạt gần 130 triệu đồng. Rõ ràng, số tiền phạt này không nhằm nhò gì với lợi nhuận từ việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Do vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để… tiếp tục vi phạm!
Rất khó xử lý hình sự
Trong khi tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang nở rộ thì việc áp dụng Bộ luật Hình sự để xử lý lại rất khó khăn, hạn chế. Đại tá Nguyễn Xuân Lý cho biết, hầu hết các điều luật quy định hậu quả là dấu hiệu định tội bắt buộc nhưng trên thực tế, hậu quả của tội phạm môi trường không xảy ra ngay mà mang tính tích lũy theo thời gian nên không có căn cứ áp dụng trong truy tố, định tội danh và khung hình phạt.
Các khái niệm định tính, định lượng như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “ô nhiễm nghiêm trọng” còn chung chung, chưa có hướng dẫn tiêu chí để xem xét trách nhiệm hình sự của chủ thể vi phạm. Đa số các điều đều quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” là dấu hiệu định tội bắt buộc nhưng nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng lại chưa bị xử lý hành chính hoặc đã xử lý nhưng hết hạn, thời hiệu xử lý thì cũng… không xử lý hình sự được.
Đặc biệt, một số hành vi vi phạm pháp luật môi trường mới xuất hiện nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo Đại tá Lý, trong khi chờ sửa đổi Bộ luật Hình sự, để tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát môi trường hoạt động có hiệu quả cần sớm có thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành đối với các loại tội phạm môi trường của Bộ Luật Hình sự.
Bài 2: Những lỗ hổng về pháp luật
Lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) ra đời được gần 2 năm và đã có mặt tại nhiều “điểm đen” vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau khi phát hiện, CSMT lại “tắc tị” ở khâu điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm bởi… chưa có thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng.
“Tắc” ở khâu điều tra!
Theo quy định, lực lượng CSMT có thẩm quyền tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên tất cả các lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, làng nghề, xây dựng đô thị, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất và các địa bàn trọng điểm; rà soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp có tác động đến môi trường; tổ chức, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sửa chữa, đóng tàu, kinh doanh dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại, nuôi nhốt động vật hoang dã, các chốt kiểm dịch động vật, khảo sát tình hình gây ô nhiễm môi trường lưu vực các sông Hồng, sông Lô, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Thị Vải, sông Đồng Nai…
Qua gần 2 năm hoạt động, đến nay lực lượng CSMT đã phối hợp phát hiện hơn 750 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí môi trường với tổng số tiền trên 130 tỷ đồng; cảnh cáo, nhắc nhở hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm môi trường.
Tuy nhiên, đến nay, năng lực đấu tranh chống tội phạm về môi trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế do CSMT vẫn chưa có thẩm quyền điều tra. Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C36 cho biết, theo pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 thì CSMT chưa phải là cơ quan điều tra (chuyên trách) và CSMT cũng chưa phải là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bởi pháp lệnh chưa quy định thẩm quyền điều tra của cục, phòng CSMT. Vì vậy, CSMT chỉ có thể tiến hành thu thập chứng cứ bằng biện pháp trinh sát, còn việc tiến hành tố tụng phải giao cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an.
Thậm chí, trước đây CSMT còn không được xử phạt hành chính. Gần đây, khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi ngày 2-4-2008 có hiệu lực, lực lượng này mới được bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, CSMT vẫn không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giữ người, tang vật, phương tiện, khám xét).
Pháp lệnh cũng chưa quy định việc CSMT được sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong phát hiện, truy tìm đối tượng, thu thập chứng cứ, phân tích dấu vết vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, giúp củng cố hồ sơ, phục vụ xử lý (hành chính, hình sự). Hiện nay, lực lượng CSMT cũng chưa được tham gia Hội đồng thẩm định đối với các dự án có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (là điều kiện bắt buộc về an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường).
Phương tiện “dùng chung”!
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng Hải, Trưởng phòng PC36 Công an TPHCM, chính những “lỗ hổng” về pháp lý trên nên trên thực tế, chúng ta thiếu căn cứ để thực hiện các biện pháp xử lý, chưa tạo được cơ sở vững chắc cho việc xử lý nghiêm loại tội phạm này.
Trong khi đó, lợi nhuận từ những hoạt động có liên quan đến tài nguyên môi trường ngày càng có xu hướng gia tăng do nguồn tài nguyên cạn kiệt. Hơn nữa, trong điều kiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy định về tội phạm môi trường chưa đủ sức giáo dục, phòng ngừa, răn đe nên tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng nảy sinh và phát triển mạnh.
Ngoài vấn đề khó khăn về tư cách tư pháp, CSMT mới được thành lập nên đang phải “sống chung” với tình trạng thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất... Thượng tá Hải chia sẻ, địa bàn (TPHCM) thì rộng và có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố lân cận nhưng cả phòng PC36 chỉ được trang bị 1 xe ô tô. Các thiết bị khoa học kỹ thuật giúp cho công tác kiểm tra, phân tích mẫu về khí thải, nước thải, đo độ rung, tiếng ồn… chưa có.
Ngay cả các thiết bị văn phòng như máy vi tính, máy photocopy… cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Anh em cán bộ phải sử dụng phương tiện, thiết bị do cá nhân tự trang bị hay dựa vào sự hỗ trợ của các đơn vị bạn... Được biết, để khắc phục tình trạng thiếu thốn, Bộ Công an đang đề nghị trích 30% tiền truy thu phí bảo vệ môi trường và tiền phạt vi phạm hành chính để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cũng như bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm môi trường.
Tình cảnh trên khiến nhiều người ví von lực lượng CSMT hiện nay được trang bị “súng” nhưng lại thiếu “đạn”!.