Những năm gần đây, không chỉ Hà Nội mà rất nhiều địa phương khác trên cả nước đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền của để tìm biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại các con sông. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại hầu như rất hạn chế, nhiều con sông vẫn ngày càng lâm vào tình trạng “chết dần, chết mòn”.
Đứng trước tình trạng đó, Bộ Tài Nguyên Môi trường và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế JICA, Nhật Bản đã hợp tác thực hiện dự án "Nghiên cứu quản lý môi trường nước các lưu vực sông tại Việt Nam".
Trao đổi với báo chí tại buổi hội thảo "Tổng kết Nghiên cứu Quản lý môi trường nước lưu vực sông VN", diễn ra ngày 22/12/2009, ông Bùi Cách Tuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định: “Điều quan trọng nhất để có thể khiến cho môi trường nước sông trở lại trong sạch là phải cắt nguồn xả thải ra sông”.
Thưa ông, hiện nay các cơ quan quản lý đang làm gì để cải thiện môi trường nước sông?
Chúng tôi thực hiện dự án này chính là nhằm mục tiêu nghiên cứu tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý môi trường nước lưu vực sông. Tất cả các hội thảo liên quan đến dự án cũng đều hướng tới sự phối kết hợp giữa các bộ ngành nhằm mục tiêu cắt hết các nguồn gây ô nhiễm tới các nguồn nước. Đây là điều cốt yếu nhất để đảm bảo cải thiện môi trường nước tại các lưu vực sông.
Hiện tại, các bộngành đang nỗ thực hiện các nhiệm vụ để đạt đến mục tiêu này: Bộ Y Tế đang cố gắng cắt đứt các nguồn gây ô nhiễm từ các bệnh viện; Bộ Xây Dựng kiểm soát các chất thải rắn, lỏng tại các điểm xây dựng; Bộ GTVT giảm khói bụi từ xe cộ, nạo vét các thủy đạo; Bộ Công Thương giám sát tình trạng môi trường các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp…
Kết quả nghiên cứu của nhóm Jica cũng cho thấy, điều cần làm đầu tiên là phải xác định được nguồn ô nhiễm và mức độ từng khu vực để các cơ quan sớm nhận ra và tập trung kết hợp cải thiện sớm.
Riêng với Tổng cục Môi Trường, năm 2010, Tổng cục sẽ góp phần giải quyết vấn đề này như thế nào?
Phương châm phía ngành vẫn là làm sao thúc đẩy giải quyết vấn đề môi trường nhanh nhất. Thời gian vừa qua, các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường cũng đã được Tổng cục Môi Trường giải quyết hợp tình hợp lý, đảm bảo 3 vấn đề của đất nước là kinh tế - xã hội – môi trường, không gây thiệt cho bên nào.
Năm 2010, chủ đề của Bộ và chủ đề của Tổng cục là tiến hành thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình bảo vệ môi trường tại các khu vực, đặc biệt là tại khu công nghiệp và các lưu vực sông.
Con số % gây ônhiễm tại các lưu vực sông hiện nay lớn nhất là từ nguồn nước sinh hoạt của người dân, thứ nhì là do các khu công nghiệp và thứ 3 là làng nghề… Ở mỗi nơi như vậy, chúng tôi sẽ có một cách tiếp cận khác nhau.
Ví dụ nhưcác khu đô thị thì cần phải có một dựán lớn làm sao thu gom được toàn bộ rác thải từ nguồn sinh hoạt gây ra, vấn đề này cũng đang được thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các dự án ODA lớn, còn các thành phố nhỏ vẫn còn rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện.
Cắt đứt các nguồn thải ở khu công nghiệp cũng rất phức tạp. Như ta đã biết, các doanh nghiệp có hệ thống xử lý thải không nhiều, thông thường là họ xả ra không qua xử lý, nhiều doanh nghiệp còn lén xả thải vào hệ thống rãnh nước mưa… Việc này các cơ quan như Bộ Công Thương, cảnh sát môi trường sẽ phải ra tay cắt đứt ngay.
Riêng làng nghề phải tiếp cận từ từ, chính quyền phải dắt tay họ đi, hướng họ cách giải quyết, nâng cao nhận thức cũng như giúp các phương tiện kỹ thuật để họ tự nhận thức được trách nhiệm của mình. Nhắm vào 3 hướng chính đó sẽ cải thiện được tình hình rất lớn. Với các nguồn khác chiếm tỉ lệ nhỏ hơn cũng sẽ được thiện hiện nghiêm ngặt.
Ông có kỳ vọng gì cho năm 2010?
Tổng cục môi trường nói chung và cá nhân tôi nói riêng hoạt động theo phương châm giống như lực sĩ Olimpic, tức là ngày càng phải cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn và ráng hết sức mình để làm. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số điều kiện khách quan ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
Ràng buộc lớn nhất hiện nay là tình hình thế giới đang rơi vào suy thoái kinh tế, ảnh hưởng tới Việt Nam. Điều đó làm cho ngân sách của chính phủ hỗ trợ để thực hiện các chương trình liên quan đến môi trường trở nên khó khăn hơn. Nguồn hỗ trợ từ nước ngoài cũng từ nguyên nhân này mà suy giảm phần nào.
Ngoài ra, còn phải kể đến khó khăn về mặt định chế, đó là làm sao tạo ra môi trường hành lang pháp lý để các cơ quan phối hợp với nhau hết sức đồng lòng, thực hiện cắt hết nguồn gây ô nhiễm. Để làm được điều này cần phải có một nhạc trưởng, một tổng tư lệnh có năng lực, có tâm để làm sao đẩy nhanh được sự kết hợp đó.
Lĩnh vực bảo vệ môi trường sông là một lĩnh vực rất là nóng trong xã hội. Vấn đề môi trường ảnh hưởng tới hạnh phúc, chất lượng sống, sức khoẻ của người dân nên chúng ta cần làm gấp rút, chứ không phải trong lâu dài. Tuy nhiên, Đây là một việc không hề đơn giản nên trong năm 2010, chúng ta chưa thể kỳ vọng có một bước đột phá nào.