Hệ thống văn bản luật có hoàn chỉnh đến đâu chăng nữa thì tự nó cũng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để xây dựng một nhà nước pháp quyền, xã hội pháp quyền. Với những "Vedan", chỉ cần thực hiện đúng luật là đủ, Phó chủ nhiệm UBKHCN&MT Quốc hội nói. Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Nghiêm Vũ Khải từng hai lần dẫn đầu đoàn thị sát sông Thị Vải.
Vedan: Còn nhiều hình thức xử phạt, không chỉ phạt tiền
Vedan đã vi phạm xả thẳng ra môi trường 14 năm, gần đây là hàng loạt các DN khác bị phát hiện như Miwon và 40 Nhà máy ở Tây Ninh. Ý kiến của Ủy ban như thế nào về vấn đề này?
Nhờ nỗ lực của một số cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, trong đó có cảnh sát môi trường và truyền thông, chúng ta biết đến những vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như đã nêu. Dư luận bức xúc và đòi hỏi các cơ quan nhà nước hữu quan và các tổ chức cá nhân có liên quan phải thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Yêu cầu này cũng đã được UB KHCN&MT Quốc hội nêu trong báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý ô nhiễm môi trường tại khu CN, khu kinh tế, khu đô thị tháng 8/2008.
Vụ việc Vedan bị phạt 287 triệu, vừa qua Hyundai – Vinashin bị phạt 10 triệu sắp tới Cục bảo vệ môi trường đề xuất mức xử phạt là 500 triệu, nhiều ý kiến cho ràng chưa tương xứng với mức độ tổn hại do việc ô nhiễm mà các DN này mang lại. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?
Phạt hành chính bằng tiền chỉ là một trong các mức xử phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Còn những hình thức xử phạt khác mà pháp luật cho phép như tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi khắc phục được ô nhiễm, di dời địa điểm, đình chỉ vĩnh viễn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 183 của Bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 10 năm đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước đặc biệt nghiêm trọng.
Việc áp dụng hình thức xử phạt phải theo nguyên tắc đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, vừa thể hiện tính nghiêm minh, đồng thời thể hiện tính giáo dục, nhân đạo của luật pháp nhằm giúp đối tượng vi phạm có điều kiện sửa chữa, khắc phục hậu quả do mình gây ra, giúp cho việc truyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung.
Bảo vệ môi trường: Có luật nhưng thiếu thi hành
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì, và trách nhiệm thuộc về ai?
Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Về trách nhiệm, thì trước hết phải thuộc về cơ quan quản lý nhà nước các cấp về bảo vệ môi rường. Khi người ta còn có thể ngang nhiên xâm hại đến môi trường, đem sức khỏe, tính mạng, chất lượng sống và tài sản của nhân dân, của nhà nước, thì môi trường sẽ tiếp tục bị ô nhiễm và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vậy để xảy ra những vi phạm này, mấu chốt của vấn đề ở đây là gì?
Vấn đề hiện nay là thực thi pháp luật, pháp luật công nhận vẫn còn có những điểm chưa thống nhất. Nhưng còn một yếu tố lịch sử để lại nữa là nước ta còn nghèo, muốn tăng trưởng kinh tế không tránh khỏi những trường hợp như vậy. Đối với vấn đề thực thi pháp luật chưa hiệu lực là do vấn đề thiếu thi hành, bộ máy thực thi mới chỉ dừng lại trình Ủy ban KHCN&MT Quốc hội các báo cáo về ô nhiễm. Hơn nữa về vấn đề kỹ thuật môi trường cần có sự đóng góp của các DN và người dân. Kỳ họp sắp tới Quốc hội sẽ xem xét thông qua thuế môi trường trong đó các DN và những ai hưởng lợi từ ô nhiễm môi trường đều phải đóng thuế.
Luật pháp có nghiêm tự nó cũng không tạo nên nhà nước pháp quyền
Có ý kiến cho rằng khung pháp lý cho hoạt động môi trường và xử lí vi phạm còn thiếu, chồng chéo, khó thực thi?
Luật về bảo vệ môi trường của VN không đến nỗi sơ sài, và đang được tích cực xây dựng và hoàn thiện. Tuy còn những hạn chế nhất định nhưng Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 với 136 điều và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, thì khung pháp lý về lĩnh vực này để để chúng ta phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và không để xảy ra tình trạng như hiện nay. Tuy nhiên, hệ thống văn bản luật có hoàn chỉnh đến đâu chăng nữa thì tự nó cũng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để xây dựng một nhà nước pháp quyền, xã hội pháp quyền. Cần phải tổ chức thực hiện tốt, từ tuyên truyền phổ biến pháp luật đến kiểm tra, thanh tra, xử phạt. Những hoạt động này nằm trong trách nhiệm quản lý nhà nước.
UB của Quốc hội giám sát nhưng không thể xử lý
Trách nhiệm của cơ quan giám sát, mà cụ thể là Ủy ban KHCN&MT trong những vụ việc như Vedan như thế nào?
Đúng là vụ việc Vedan nằm trong phạm vi trách nhiệm của Ủy ban, Ủy ban phải thẩm tra để báo cáo Quốc hội. Chúng tôi đang trao đổi với các cơ quan hữu quan, quản lý Nhà nước về vấn đề này và yêu cầu các tổ chức cá nhân về bảo vệ môi trường. Trước đó, năm 2001 chúng tôi đã có đợt giám sát bơi thuyền trên sông Thị Vải và nhận thấy vấn đề ô nhiễm. Ủy ban đã yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương thanh tra, kiểm tra, tháng 2/2008 đoàn giám sát do tôi dẫn đầu và làm việc với tỉnh Đồng Nai và tiếp tục bơi thuyền trên sông Thị Vải và tiếp tục đề xuất kiểm tra, giám sát. Sắp tới, Quốc hội cũng sẽ giám sát nghe và theo dõi, xem có những vướng mắc gì trong quá trình thực hiện Luật.
Tại sao Vedan vi phạm suốt 14 năm, Ủy ban đi giám sát, kiểm tra mà bây giờ vụ việc mới ra được công luận?
Ủy ban chỉ giám sát về mặt quản lý nhà nước, về cơ chế, chi phí, nhân lực, nếu thấy thiếu thì bổ sung, ban hành. Còn giám sát hoạt động, kiểm sát là của công an và các cơ quan quản lý địa phương.
Những việc cần làm ngay
Những vụ việc như Vedan để lại cho chúng ta bài học gì, thưa ông?
Chúng ta phải tập trung nâng cao năng lực quản lý về môi trường, trong đó có những việc cần làm ngay: Một là, triển khai hướng dẫn thi hành và tuyên truyền luật về bảo vệ môi trường. Hai là, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về môi trường, nhất là cấp tỉnh. Nhân lực chuyên trách môi trường ở VN còn thiếu nghiêm trọng về số lượng, tính chuyên nghiệp và tính chính quy. Ba là, hoàn thiện quy hoạch môi trường, tăng cường phương tiện kĩ thuật quan trắc, phân tích, đánh giá tác động môi trường, hiện trạng môi trường, thông tin môi trường. Bốn là, xây dựng lực lượng cảnh sát môi trường mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, với chức năng, quyền hạn rõ ràng đủ để thi hành nhiệm vụ. Năm là, hoàn thiện quy trình, thủ tục hoạt động tư pháp, hoạt động thanh tra, điều tra, xử phạt, tố tụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Sáu là, tăng đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, từng bước xã hội hóa hoạt động này, trong đó tăng cường vai trò của sơ sở, cộng đồng dân cư, vai trò hoạt động tự quản, giám sát của công dân. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, gìn giữ môi trường để VN có thể pháp triển bền vững.