Mới đây, Sở Y tế Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm bảy mẫu nước của hai Nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Ðình. Các mẫu nước này được phân tích tại Viện Hóa học (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam), Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.
Các kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số asen và các tiêu chuẩn khác về hóa, lý, vi sinh trong các mẫu nước trên nằm trong giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn 1329/BYT-QÐ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chỉ số amoni đo được là dao động từ 10mg/lít đến 28mg/lít, cao gấp từ sáu đến 18 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các nguyên nhân gây là chỉ số amoni cao như vậy là do nhiều yếu tố như quy trình xử lý nước, bể ngầm, đường ống dẫn nước bị rò rỉ hoặc do bể chứa nước hộ dân không bảo đảm vệ sinh. Tại buổi công bố, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Bá Ðức, Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, tác hại của amoni chỉ xuất hiện khi cơ thể con người tiếp xúc với liều cao, trên 200mg/kg thể trọng. Với chỉ số amoni như vậy chưa gây hại đến sức khỏe người sử dụng nước.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, đơn vị đã giảm sản lượng khai thác nước tại hai nhà máy trên, cụ thể mỗi nhà máy chỉ khai thác 18 nghìn m3 nước/ngày đêm so với công suất thiết kế là 30 nghìn m3; không phát triển thêm các bãi giếng khu vực phía nam thành phố; tăng cường khâu xử lý nước qua các vật liệu lọc cũng như tăng cường quản lý vận hành, kiểm tra, giám sát chất lượng nước; khuyến cáo người dân vệ sinh dụng cụ chứa nước. Ðồng thời, đơn vị kiến nghị thành phố sớm đưa nguồn nước mặt sông Ðà thay thế cho nguồn nước hiện nay tại khu vực phía nam thành phố.