Nước mặn đang xâm nhập sâu vào đất liền các vùng ven biển ĐBSCL từ 40 - 50 km, nồng độ mặn trung bình cũng tăng từ 2 - 3%o so với trung bình nhiều năm. Hàng trăm ngàn ha lúa bị ảnh hưởng mặn và khô hạn. 1/3 dân số nông thôn trong vùng thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Tình hình hạn, mặn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong 2 tháng tới nếu không có mưa. Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tại hội nghị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phòng chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL tổ chức ngày 12.3, tại Sóc Trăng.
Mặn sâu
Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa đông xuân 2009 - 2010 lên đến 620.000 ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng, tập trung ở các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Ngoài ra còn 100.000 ha khác có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Các trà lúa xuống giống trong tháng 12 và đầu tháng 1 đang ở giai đoạn ngậm sữa và trổ có khả năng bị giảm năng suất.
Nhìn chung tình hình mặn xâm nhập sớm hơn cùng kỳ nhiều năm, nồng độ cũng cao hơn, thời gian bắt đầu từ giữa tháng 1.2010. Cụ thể, vùng 2 sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An), mức độ xâm nhập mặn trong kỳ triều cường cuối tháng 2 tăng từ 0,8 - 2%0 so với cùng kỳ. Vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu tính đến đầu tháng 3 độ mặn tăng từ 0,9 - 1,5%0. Cao nhất là vùng ven biển Tây và bán đảo Cà Mau độ mặn tăng từ 1 - 8%0.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bạc Liêu, xâm nhập mặn trong đầu tháng 2 ảnh hưởng đến khoảng 2.000 ha lúa đông xuân ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Bên cạnh đó, 1.600 ha khác ở huyện Giá Rai cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Còn theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã có gần 3.000 ha lúa bị khô hạn tập trung ở An Minh, An Biên. Hiện nay, lúa đã thu hoạch và năng suất sụt giảm đáng kể. Tỉnh chủ trương hỗ trợ 120 kg lúa giống/ha để các hộ này xuống giống trong vụ hè thu sắp tới.
Nước ngọt: 120.000 đồng/m3
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT đang theo dõi sát sao diễn biến toàn bộ nguồn nước trên sông Mê Kông, từ đó dự báo tác động tới từng khu vực và đưa ra những thông báo, khuyến cáo cho địa phương, nhân dân để kịp thời triển khai những biện pháp cần thiết. Bộ sẽ cùng các cơ quan khoa học gấp rút rà soát lại quy hoạch thủy lợi cho ĐBSCL, có tính tới tác động của biến đổi khí hậu bao gồm nước biển dâng và thay đổi chế độ nước, nhiệt độ của toàn khu vực. Theo Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, có đến 1/3 dân số ở khu vực nông thôn ĐBSCL đang thiếu nước ngọt để sinh hoạt. Ở nhiều nơi, người dân phải mua nước với giá từ 30 - 60 ngàn đồng/m3. Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tình trạng khô hạn đang diễn ra gay gắt, thiếu nước ngọt cho sản xuất và cả sinh hoạt của người dân. Ở các huyện đảo, người dân phải mua nước ngọt với giá lên đến 120.000 đồng/m3. Còn theo ông Lương Ngọc Lân, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, phần lớn người dân địa phương dùng nước ngầm để phục vụ sản xuất. Nhưng vào thời điểm khô hạn năm nay, nguồn nước này đã giảm mạnh. Có trên 41% các chương trình cấp nước tập trung ở Bạc Liêu bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán, cao nhất trong khu vực, kế đến là Sóc Trăng với tỷ lệ 38% và An Giang 33,5%.
Tái diễn hạn hán lịch sử
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nhận định: Tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến xấu tại ĐBSCL, đặc biệt tập trung vào tháng 3 và tháng 4. Dự báo dòng chảy trên sông Mê Kông năm nay thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, khoảng 20 - 30%. Có khả năng ĐBSCL sẽ lặp lại hạn hán lịch sử kể từ năm 1998.
Từ tháng 3, do ảnh hưởng của gió Đông Nam, thời tiết tiếp tục nắng nóng và khô hạn. Do đó, độ mặn sẽ tăng thêm tại các khu vực bị ảnh hưởng. Trong các tháng 3, 4 và đầu tháng 5, nước mặn sẽ tiếp tục lên cao tại các tỉnh ven biển và đạt đỉnh cao nhất trong tháng 3. Những ngày nắng nóng từ 35 - 37oC cũng xuất hiện trong tháng 3 này.
Mùa mưa năm vừa rồi dứt sớm và sẽ bắt đầu muộn hơn trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày. Cục Trồng trọt cảnh báo vào tháng 4 và 5 tới, có khoảng 550.000 ha lúa vụ hè thu cần phải hỗ trợ bơm tưới, cao nhất là ở các tỉnh Kiên Giang tới 120.000 ha, An Giang và Đồng Tháp là 80.000 ha. Trước mắt cuối tháng 3 này, có đến 120.000 ha diện tích lúa xuân hè bị ảnh hưởng của hạn hán.