Kiểm soát chặt việc xả thải của doanh nghiệp
Thứ bảy - 01/08/2009 00:51
Ông Nguyễn Văn Phước
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM vừa có công văn phản ánh về chất lượng nguồn nước của hệ thống công trình và kênh thủy lợi đang bị xấu đi nhanh chóng. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM.
* PV: Thưa ông, tình hình theo phản ánh như trên có đúng không?
* Ông Nguyễn Văn Phước: Về việc phản ánh của Sở NN-PTNT, hiện UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo UBND các quyện-huyện, Sở TN-MT, Ban Quản lý Khu chế xuất-Khu công nghiệp nhanh chóng rà soát, kiểm tra tình hình xả thải của các doanh nghiệp. Sở TN-MT TPHCM đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra (định kỳ và đột xuất), xử lý mạnh các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Tới đây, trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng chúng tôi sẽ cương quyết kiến nghị đình chỉ, đóng cửa hoặc truy tố trách nhiệm theo quy định.
Ngoài ra, chất lượng nước kênh thủy lợi ngày càng xấu là do chất lượng xả thải của các doanh nghiệp thuộc tỉnh Tây Ninh và Long An (nằm phía đầu nguồn).
* Đến nay, Sở đã có kế hoạch kiểm tra, xác định rõ chất lượng nguồn thải của các doanh nghiệp không đạt chất lượng nhưng vẫn xả vào hệ thống kênh thủy lợi như thế nào?
* Chúng tôi đã tổ chức họp các ban ngành liên quan để bàn biện pháp cụ thể. Trước mắt, tiếp tục tăng cường công tác thanh - kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ Môi trường của các doanh nghiệp có nước thải xả ra kênh thủy lợi, hoặc những kênh rạch nối ra kênh thủy lợi; thống kê danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng để đề nghị đình chỉ hoạt động; yêu cầu Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra đột xuất; yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường điều tra, thông kê, xác định toàn bộ nguồn thải của các doanh nghiệp ra các kênh rạch, hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai. Kết quả này sẽ là căn cứ để quy hoạch phân vùng xả thải, làm cơ sở xử lý triệt để tình trạng xả thải chui, xả thải không đạt tiêu chuẩn cho phép, không phù hợp với nguồn kênh rạch tiếp nhận.
Hiện Sở TN-MT TPHCM đang liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh và Long An để lập kế hoạch phối hợp kiểm tra, tiến hành xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm đóng trên địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh.
* Nhiều ý kiến lại cho rằng, chất lượng nước thải của khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) không đạt yêu cầu mới là nguyên nhân khiến cho chất lượng nước kênh rạch xấu đi?
* Hiện UBND TPHCM đã chỉ đạo Ban quản lý KCX-KCN phải kiểm tra, giám sát chặt tình hình chấp hành quy định về bảo vệ môi trường ở các KCX-KCN, nhất là công tác đấu nối nước thải của các doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. TP sẽ kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp cố tình không khắc phục ô nhiễm; không để xảy ra tình trạng nước thải sản xuất chưa qua xử lý theo cống thoát nước ra ngoài kênh như hiện nay ở một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về phía Sở đã xác định 3 KCX-KCN có nước thải gây ảnh hưởng đến chất lượng nước của kênh Ranh Long An và kênh Thầy Cai là KCN Tân Tạo, Lê Minh Xuân và Tân Phú Trung. Sở cũng đang xúc tiến triển khai xây dựng các trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải của 3 KCN này. Việc quan trắc chất lượng nước tự động trên sẽ đánh giá chính xác, nghiêm túc chất lượng nước thải sau xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN trên, sau đó tiến tới áp dụng nhân rộng cho 15 KCX-KCN trên toàn địa bàn TP.
* Được biết, Chính phủ có văn bản yêu cầu TP giải quyết dứt điểm việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong địa bàn dân cư. Vậy Sở TN-MT TPHCM đã triển khai vấn đề này như thế nào?
* Vừa qua, chúng tôi đã giao Thanh tra Sở thực hiện rà soát hiện trạng di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nằm xen trong khu dân cư. Hiện còn hơn 40 doanh nghiệp chưa di dời. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện cải tạo rất tốt hiện trạng môi trường. Đồng thời cũng đã có nhiều doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục để di dời đến khu vực sản xuất tập trung.
Riêng những đơn vị đã chuyển đổi ngành nghề, không còn gây ô nhiễm môi trường; hoặc doanh nghiệp không chuyển đổi ngành nghề, nhưng đã khắc phục được hiện trạng ô nhiễm, thì Sở đang hướng dẫn thủ tục để các đơn vị xin rút tên ra khỏi danh sách phải di dời.
Còn với những doanh nghiệp không có khả năng cải thiện hiện trạng ô nhiễm môi trường, sở đang đề xuất UBND TPHCM có biện pháp xử lý thích đáng.
Nguồn tin: Ái Vân - sggp.org.vn