(Giadinh.net)- Đó là thông tin mà ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội cho biết khi trao đổi với PV Báo GĐ&XH chiều 14/10. Ông Nghiêm Vũ Khải cho biết, qua đợt giám sát về công tác bảo vệ môi trường vừa qua của Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường tại 20 tỉnh, thành và các bộ ngành, tập đoàn kinh tế lớn cho thấy vấn đề này càng trở nên báo động. Nhất là thực trạng môi trường về nước thải, ô nhiễm không khí, chất thải sinh hoạt và chất thải y tế... tại các khu đô thị thực sự đáng lo ngại. Tình trạng ô nhiễm là phức tạp, nhiều nơi là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề, lâu dài, một số nơi thành “điểm nóng”.
Ngay từ năm 2003, khi có Quyết định 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã xác định 2 giai đoạn trong xử lý các cơ sở gây ô nhiễm. Theo quyết định này, từ năm 2003-2007 phải xử lý 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; từ năm 2007-2012 phải xử lý 4.000 cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như kết quả giám sát ở các địa phương cho thấy, tính đến tháng 8/2008 chỉ có 156/439 cơ sở không còn gây ô nhiễm, chiếm 36%, 216 cơ sở đang triển khai xử lý, chiếm 49% và 67 cơ sở chưa có biện pháp xử lý ô nhiễm, chiếm 15%.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tính đến hết tháng 5/2006, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy phải tiếp nhận nguồn nước thải chính từ 8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp với 157 dự án, 266 cơ sở. Kết quả thống kê cho thấy có 4/8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chiếm tỉ lệ 50%. Nhưng sau khi được phê duyệt báo cáo thì hầu hết các các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã không xây dựng khu xử lý nước thải tập trung.
Ông Khải nói: “Ngay từ năm 2004, chúng tôi đã khảo sát sông Thị Vải (Đồng Nai) và đã có kiến nghị chính quyền địa phương xử lý ngay Công ty Vedan. Tuy nhiên, sau đó Vedan vẫn chưa bị xử lý”. Theo báo cáo số 321/BC-KHCNMT của Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường ngày 11/8/2008, hiện nay, sông Thị Vải (Đồng Nai) đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng vẫn phải đang tiếp nhận một khối lượng nước thải là 33.267m2/ngày của 77 cơ sở và khu công nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải.
Một trong các nguyên nhân chính là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp do chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời chức năng, nhiệm vụ của mình. Báo cáo này đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội gửi lên Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. “Thường vụ Quốc hội nên gửi Báo cáo này đến toàn thể các đại biểu Quốc hội để nắm được tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay. Qua đó, cũng làm cơ sở cho các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại nghị trường một cách chính xác, thiết thực”, ông Khải bày tỏ quan điểm.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, tỉnh thành liên quan triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế và công tác bảo vệ môi trường. Đó là, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi, đặc biệt tăng nặng các hành vi cố ý cũng như sửa Bộ Luật hình sự tới đây cần tăng nặng tội danh đối với tội phạm về môi trường; củng cố bộ máy quản lý, hoạt động môi trường, xây dựng thêm các trạm quan trắc, phân tích môi trường; bố trí ngân sách đúng, đủ, không để việc sử dụng sai mục đích ngân sách bảo vệ môi trường như một số địa phương mà đã giám sát phát hiện; đánh giá nghiêm túc, khách quan về thực trạng ô nhiễm môi trường cũng như đẩy mạnh xã hội hoá công tác này.