Ô nhiễm trên sông Thị Vải có thể thấy được bằng mắt thường
Ngày 12/12, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đã tổ chức hội thảo góp ý xây dựng dự án khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải. Hội thảo này có sự tham dự của đại diện UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu - là 3 tỉnh, thành có liên quan trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm của sông Thị Vải.
Đua nhau đầu độc
Theo các số liệu mới nhất của Bộ TNMT công bố tại hội thảo, từ năm 1994 sông Thị Vải đã bắt đầu bị ô nhiễm. Các số liệu quan trắc trong giai đoạn 1994-2006 đều cho thấy nước sông Thị Vải đã bị ô nhiễm nặng. Diễn biến ô nhiễm trên sông Thị Vải ngày càng nặng hơn, đặc biệt là trong năm 2007 và 10 tháng đầu năm 2008.
Tại 8 điểm lấy mẫu quan trắc đều cho các kết quả hết sức bi quan, tất cả đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Chẳng hạn diễn biến nồng độ COD, DO đều vượt mức tiêu chuẩn từ 1 đến hơn 2 lần. Đặc biệt nghiêm trọng, đoạn sông dài 15km giáp ranh giữa Đồng Nai và BR-VT bị ô nhiễm đến mức không có bất cứ sinh vật nào có thể sống nổi, ôxy hoà tan trong nước gần như bằng 0.
Kết quả kiểm tra năm 2006 tại tỉnh Đồng Nai cho thấy 54 cơ sở sản xuất và KCN với tổng lượng nước thải xả ra sông Thị Vải là 21.877m3/ngày, thế nhưng chỉ có 34 cơ sở có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ có 7 cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường.
Tính tổng cộng, lượng nước thải đạt tiêu chuẩn trên tổng lượng nước thải chỉ chiếm 13%. Tương tự, đối với BR-VT, trong tổng số 11.340m3 nước thải/ngày chỉ có 21,7% đạt tiêu chuẩn. Năm 2008, kết quả kiểm tra 84 cơ sở sản xuất có trang bị hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhưng toàn bộ nước thải (100%) đều không đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Còn đối với tỉnh BR-VT, 69/78 cơ sở bị kiểm tra có vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; 14 cơ sở xả thải vượt chuẩn trên 10 lần; 10 cơ sở xả thải vượt chuẩn từ 5 đến 10 lần... Với thực trạng các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải đua nhau xả thải như vậy thì không có gì quá khó hiểu vì sao sông Thị Vải trở thành dòng sông chết?
Đổ lỗi cho nhau
Nhận định về nguyên nhân biến dòng sông Thị Vải từ dòng sông xanh trở thành dòng sông chết, ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT - cho rằng: "Do chúng ta thiếu trách nhiệm, đơn giản hoá mọi điều. Đơn giản trong đánh giá tác động môi trường, đơn giản trong kiểm tra và cuối cùng là đơn giản khi phát hiện và xử lý. Sơ hở của pháp luật, cho phép hay không cho phép là không rõ ràng, nhà đầu tư lợi dụng những sơ hở này xả thải".
Cũng theo ông Thới: "Chúng ta chạy đua thu hút đầu tư, nhưng hậu quả để lại cũng quá lớn. Hôm nay chúng ta phải trả giá cho việc này, làm thế nào để hơn 10km sông Thị Vải sống lại(?!)". Một nguyên nhân nữa theo ông Thới: "Chúng ta thiếu tôn trọng đánh giá của các nhà khoa học. Họ đã cảnh báo từ bao nhiêu năm trước, nhưng mãi đến sáng nay (12.12) chúng ta mới họp ra mắt Uỷ ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai".
Nói về kế hoạch cứu sông Thị Vải, ông Thới hứa: "Tôi không phải là nhà khoa học, tôi không ảo tưởng, nhưng tôi xin hứa từ 2009 trở đi, chúng tôi sẽ không để tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp không đạt tiêu chuẩn Việt Nam mà thải ra sông Thị Vải. Mọi việc còn lại là của TPHCM và Đồng Nai".
Về phía TPHCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trung Tín tỏ ra dè dặt và chẳng dám hứa hẹn điều gì, chỉ nói chung chung: "TPHCM có trách nhiệm hết mình". Ông Tín thừa nhận một thực tế ở TPHCM: "Không ai đủ dũng cảm để đóng cửa các doanh nghiệp gây ô nhiễm, như vậy là đóng cửa 43.500 doanh nghiệp".
Đại diện tỉnh Đồng Nai, ông Ao Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - thì chẳng hứa hẹn bất cứ điều gì, mà còn đòi các nhà khoa học vào cuộc để phân định ai gây ô nhiễm để tránh... "đổ thừa lòng vòng"!
Đã có nhiều giải pháp cứu sông Thị Vải được đưa ra tại hội thảo. Theo một số nhà khoa học, khi nguồn xả thải vào sông Thị Vải được kiểm soát (không phát sinh thêm ô nhiễm) thì việc giải quyết tồn lưu ô nhiễm không quá phức tạp. Trong đó, giải pháp khả thi nhất là trồng rừng ngập mặn, sau đó môi trường sẽ phục hồi từ từ. Một giải pháp cũng được đề nghị đó là chọn địa điểm xả thải tránh riêng đối với đoạn sông 10km hiện đang bị ô nhiễm nặng.
Đề án bảo vệ sông Đồng Nai đặt ra mục tiêu 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường, trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm.
Ngoài ra, phấn đấu 80% các KCX, KCN, khu công nghệ cao và 40% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện. Đề án cũng đặt ra mục tiêu tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cho đến thời điểm hiện nay, khi Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mới được thành lập, thì thực trạng ô nhiễm trên lưu vực sông Đồng Nai đã đi vào giai đoạn nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhiều chỉ số ô nhiễm công nghiệp, vi sinh, rác thải sinh hoạt khu vực hạ lưu sông Đồng Nai (nơi đặt các nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10 triệu dân - PV) đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Tài nguyên nước đang bị cạn kiệt bởi nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác cát gây sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy. Cũng theo ông Tín, bằng mọi cách phải bảo vệ trước khi quá muộn.