Năm 2009, Công bố sản phẩm doanh nghiệp vi phạm môi trường
Đó là khẳng định của ông Đào Anh Kiệt (ảnh), Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, về việc giải quyết, từng bước khắc phục thực trạng môi trường trên địa bàn TP. Việc công bố danh sách sản phẩm của những doanh nghiệp (DN) vi phạm môi trường sẽ giúp phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc chung tay cùng bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Ông cho biết:
Sở TN-MT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đánh giá tác động hoặc là cam kết thực hiện bảo vệ môi trường DN. Trường hợp những DN vi phạm, sở sẽ áp dụng mức xử phạt mới cao nhất, đồng thời kiên quyết đóng cửa những DN tái phạm.
- PV: Ông có thể nói rõ hơn áp dụng mức phạt mới là như thế nào?
Giám đốc ĐÀO ANH KIỆT: So với mức phạt cũ, mức phạt mới cao hơn rất nhiều. Cụ thể mức phạt cũ cho phép Chánh Thanh tra Sở TN-MT được phạt cao nhất 30 triệu đồng, còn mức phạt mới lên đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, quy định trước đây chưa cho phép đóng cửa DN trong trường hợp DN vi phạm môi trường, còn quy định mới đã cho phép chủ tịch UBND tỉnh, TP được phép đóng cửa DN nếu DN đó cố tình chây ì, không thực hiện bảo vệ môi trường. Có thể nói, đây là những bước cải tiến rõ rệt và mạnh mẽ trong công tác xử lý trường hợp DN vi phạm môi trường.
- Theo ông, hình thức xử phạt đã đủ sức răn đe những DN có hành vi vi phạm môi trường?
Xử phạt chỉ là một trong số giải pháp có thể răn đe DN nhưng đó chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ. Để có thể thực sự buộc DN phải tự giác thực hiện bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố danh sách những DN chây ì không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.
Mạnh hơn nữa, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan pháp luật nghiên cứu việc công bố danh sách sản phẩm của những DN cố tình vi phạm môi trường nhiều lần, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ phía cộng đồng trong việc tẩy chay không mua sản phẩm của những DN “đen”. Có như vậy mới mong DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
- Giải pháp công bố sản phẩm của những DN “đen”, liệu có ảnh hưởng đến sản xuất và thương hiệu của DN?
Đối với nước ta việc này còn khá mới mẻ trong khi ở nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển, biện pháp này đã được ứng dụng rất phổ biến. Người dân trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, họ đều xem các ký hiệu in trên bao bì sản phẩm là của DN “xanh hay đen”. Nếu sản phẩm có chứng nhận “xanh” thì mua còn sản phẩm có ký hiệu “đen” thì họ tẩy chay, không lựa chọn sử dụng sản phẩm đó.
Cách làm này vô hình chung đã tạo nên những hiệu quả rất tích cực, chặt chẽ trong việc buộc các DN tự nguyện chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường. Còn việc công bố trên có ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và thương hiệu của DN? Đương nhiên là có. Tuy nhiên, không thể mãi dung túng cho những DN làm giàu trên môi trường sống của người dân.
Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không quyết liệt thì đến một lúc nào đó (cũng không còn xa nữa đâu) thì lợi nhuận mà DN đóng vào cho ngân sách nhà nước liệu có thể bù đắp chi phí cải tạo môi trường. Chúng ta đã phải hy sinh môi trường hơn 20 năm để phát triển kinh tế. Còn bây giờ, chẳng có lý do gì để bắt môi trường phải hy sinh thêm nữa.
- Nhưng hiện nay người dân rất khó để nhận biết đâu là sản phẩm “xanh” và sản phẩm “đen”?
Việc người dân chưa thể nhận biết đâu là sản phẩm “xanh” và đâu là sản phẩm “đen” một phần là lỗi của cơ quan chức năng. Chúng ta chưa tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương này. Từ năm 2009, sở sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền sâu rộng xuống từng tổ dân phố để người dân biết, hiểu. Cụ thể phối hợp với báo, đài truyền hình; tổ chức phát tờ rơi đến từng gia đình; tập huấn cho cán bộ phường xã, khu phố, trường học, khu dân cư, doanh nghiệp… để nhận biết doanh nghiệp “xanh”, “đen”… Tôi tin, nhiều giải pháp đồng bộ trên sẽ kêu gọi được sự hưởng ứng tham gia của DN.
Ngoài ra, Bộ TN-MT vừa có Thông tư số 05 hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Theo đó, DN đơn vị, tổ chức cá nhân phải thực hiện cam kết hoặc đánh giá tác động môi trường. Điều đáng nói, điểm mới trong thông tư này là hồ sơ cam kết thực hiện bảo vệ môi trường của đơn vị, tổ chức, cá nhân sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt phải được niêm yết công khai để người dân biết và theo dõi. Từ đó sẽ có phản hồi ngược chiều về cơ quan chức năng trong trường hợp DN không làm theo cam kết đã đăng ký. Có thể nói, lực lượng chính trong việc bảo vệ môi trường năm 2009 là người dân.