Nước thải chưa qua xử lý của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương đổ trực tiếp ra sông.
Nhìn lại công tác thanh kiểm tra môi trường năm 2008, đã có 307/517 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM bị xử phạt vi phạm hành chính vì có hành vi vi phạm môi trường. Tuy nhiên, với năm 2009, số doanh nghiệp kiểm tra và bị xử phạt hứa hẹn sẽ không dừng lại ở con số trên. Vậy đâu là cơ sở của vấn đề này?
Rào cản nhiều...
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho rằng, dựa vào nguyên nhân về các hành vi vi phạm môi trường của các doanh nghiệp, phải nói rằng công tác thanh kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã được tăng cường. Cụ thể, tổng số lượng doanh nghiệp bị thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong năm 2008 bằng tổng số của các năm từ 2004 đến 2007. Việc xử phạt cũng nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình không thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT).
Về phía doanh nghiệp là do họ chưa quan tâm, tuân thủ cũng như chưa ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về BVMT. Đặc biệt, vẫn tồn tại khá phổ biến tình trạng doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải chỉ để đối phó khi có đoàn kiểm tra; chủ doanh nghiệp thường tập trung lo hoạt động sản xuất hoặc chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chỉ đạo, theo dõi bộ phận nghiệp vụ thực hiện tốt công tác BVMT; nhân sự chuyên trách môi trường của các doanh nghiệp thường xuyên thay đổi hoặc kiêm nhiệm nên thiếu chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến hiệu quả vận hành hệ thống xử lý chất thải thấp…
Về phía cơ quan chức năng cũng còn một số hạn chế như một số quy định, thủ tục về BVMT còn rườm rà, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp trong việc liên hệ chấp hành quy định BVMT; các hình thức chế tài còn nhẹ so với chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để xử lý môi trường nên doanh nghiệp bất chấp xử phạt vẫn vi phạm; biện pháp giám sát còn lơi lỏng…
...nên vi phạm cũng nhiều
Với những rào cản trên nên cho đến nay tình hình vi phạm môi trường trên địa bàn thành phố mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê mới nhất, hiện còn 1 Khu công nghiệp Tân Phú Trung chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung do vướng mạng lưới thu gom nước thải từ các doanh nghiệp.
Riêng về xử lý cục bộ tại các doanh nghiệp trong KCX-KCN, có hơn 100 doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý và hơn 70 doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý khí thải. Nhưng nan giải hơn hết là vấn đề xử lý chất thải hệ thống bệnh viện.
Trên địa bàn thành phố có 106 bệnh viện thuộc trung ương, thành phố và bệnh viện tư nhưng chỉ có 84 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Đã vậy, một số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng đã bị xuống cấp, hư hỏng hoặc không còn phù hợp công suất hoạt động hiện tại của công việc. Thanh tra sở đã có nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này. Các bệnh viện có vốn nhà nước để đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải mất nhiều thời gian do phải qua nhiều khâu thẩm định phê duyệt vốn đầu tư. Vì vậy mà tình trạng ô nhiễm còn kéo dài. Không chỉ vậy, với những doanh nghiệp đã thực hiện BVMT nhưng vẫn thường xuyên vi phạm do thường mở rộng nhà xưởng sản xuất, nâng công suất hoạt động, tăng cường công đoạn sản xuất nhưng không làm bổ sung đánh giá tác động môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường; không xây dựng hệ thống xử lý khí thải hoặc nước thải như cam kết; nước thải, khí thải sau xử lý không đạt tiêu chuẩn cho phép…
Khắc phục: bắt đầu từ khâu nhận thức
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang xâm nhập và gây tác hại đến mọi mặt của xã hội như đất, nước, không khí… và đặc biệt là sức khỏe cộng đồng. Trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu chứng minh có nhiều loại bệnh ở người dân như bệnh về da, phổi, phế quản, ung thư, sốt xuất huyết mà nguyên nhân xuất phát từ việc tiếp xúc với chất thải ô nhiễm. Do đó, để vấn đề quản lý, chấp hành quy định về BVMT hiệu quả, nhất thiết phải xóa bỏ những bất cập trong công tác quản lý môi trường, giảm thiểu những thủ tục rườm rà, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm và các biện pháp chế tài; kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp tái vi phạm môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, việc doanh nghiệp thường vi phạm môi trường một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường và do công tác giám sát thực hiện chưa tốt. Một số doanh nghiệp tuy có tự tìm hiểu thông tin nhưng khi có quy định điều chỉnh hoặc bổ sung thì không cập nhật kịp thời và đầy đủ nên có quy định thực hiện tốt nhưng quy định khác thì không thực hiện. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, phải bắt đầu từ khâu nhận thức – đó là giải pháp mấu chốt sẽ được Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM thực hiện trong năm 2009.
Chủ trương của sở trong năm nay phải phổ biến rộng rãi quy định về BVMT cho các doanh nghiệp và cả những cộng đồng dân cư tại địa bàn doanh nghiệp hoạt động. Cách làm này sẽ tránh được việc doanh nghiệp thiếu sót trong quá trình chấp hành luật BVMT. Mặt khác, với sự giám sát của cộng đồng, doanh nghiệp cũng không có cơ hội để lén lút xả chất thải chưa qua xử lý ra ngoài. Kế đến là tăng cường công tác hậu kiểm thực hiện đánh giá tác động môi trường hay cam kết BVMT mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan chức năng, đồng thời sẽ đề xuất UBND TP mạnh dạn đóng cửa những doanh nghiệp tái vi phạm môi trường.
Nếu công tác hậu kiểm được thực hiện quyết liệt và triệt để thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể tình trạng vi phạm và tái vi phạm môi trường. Có như vậy thì mới không còn cơ hội cho những doanh nghiệp cố tình chây ì không thực hiện việc BVMT.