Ngăn chặn tình trạng gian lận xả thải: Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động
Thứ bảy - 11/07/2009 23:51
Nước thải sau xử lý của KCN Lê Minh Xuân không đạt tiêu chuẩn một phần là do nước thải của các doanh nghiệp trong kh
Tại cuộc họp về việc xử lý gian lận xả thải diễn ra ngày 8-7, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng biện pháp hiệu quả nhất để chấm dứt tình trạng gian lận trong xử lý nước thải là lắp đặt trạm quan trắc tự động. Trên thực tế, biện pháp này đã và đang được ứng dụng rất hiệu quả tại Đồng Nai và Bình Dương. Thế nhưng, riêng tại TPHCM việc triển khai vấn đề này vẫn đang gặp nhiều lúng túng.
Chất lượng nước thải KCX-KCN: thả nổi
Hiện trên địa bàn TPHCM có 15 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) đang hoạt động. Trong đó, 14 khu đã có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT), một khu chưa đầu tư HTXLNTTT là KCN Tân Phú Trung. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho dù đã đầu tư thì HTXLNTTT cũng chỉ xử lý được một số chất ô nhiễm như pH, độ màu, chất rắn lơ lửng (SS), chất hữu cơ (BOD, COD), chất dinh dưỡng (N, P) ở một nồng độ cho phép (đạt tiêu chuẩn B hoặc C).
Còn các chỉ tiêu độc hại như dầu mỡ, kim loại nặng... nhất thiết phải được xử lý cục bộ tại mỗi doanh nghiệp (DN). Điều đáng nói, hiện vẫn còn nhiều DN gian lận trong xả thải. Họ cố tình không thực hiện xử lý cục bộ chất thải từ quá trình sản xuất của DN đạt yêu cầu chất lượng theo thỏa thuận mà xả thải thẳng ra môi trường hoặc vào hệ thống cống đấu nối với HTXLNTTT. Do vậy, chất lượng nước thải sau xử lý của các HTXLNTTT khó tránh tình trạng không đạt tiêu chuẩn cho phép.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2009, thanh tra đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện bảo vệ môi trường của hơn 200 DN (trong và ngoài KCX-KCN). Kết quả cho thấy, có hơn 100 DN cả trong và ngoài KCX-KCN bị xử phạt vì xả thải không đúng quy định với cam kết. Lãnh đạo KCN Tân Tạo, Vĩnh Lộc và Tân Bình đã có công văn nhắc nhở những DN trong khu phải đảm bảo xả thải đạt tiêu chuẩn cam kết, nhưng bất chấp cảnh báo trên, nhiều DN vẫn không thực hiện.
Về phía thanh tra môi trường thì cũng chỉ có thể kiểm tra tình hình thực hiện bảo vệ môi trường của DN khoảng 2 lần/năm – quá ít so với số lượng xả thải khoảng hơn 300 ngày/năm của DN. Do đó, DN cứ vô tư gian lận trong xả thải. Trong trường hợp bị thanh tra đột xuất, DN vẫn vui vẻ chấp nhận đóng tiền phạt hơn là phải vận hành hệ thống nước thải.
* Kiểm tra tự động, DN hết “trốn”
Việc DN cố tình gian lận trong xả thải đã kéo theo chất lượng nước thải của các HTXLNTTT không đạt. Và kết quả cuối cùng là môi trường thành phố bị ô nhiễm, cuộc sống của cộng đồng dân cư bị đe dọa. Vậy làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này?
PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, để kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý một cách chặt chẽ và thường xuyên thì cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư hệ thống trên cho 13 KCX-KCN khoảng 15 tỷ đồng – rẻ hơn rất nhiều so với giá mà thành phố đang phải bỏ ra để cải tạo hiện trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh, trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ quan trắc chất lượng nước thải tự động đã và đang được tỉnh Bình Dương, Đồng Nai triển khai, mang lại hiệu quả rất cao. Trong trường hợp nước thải của các đơn vị không đạt tiêu chuẩn quy định, các tín hiệu sẽ truyền về hệ thống máy chủ nên không thể chối cãi.
Công nghệ đã có, nhưng một vấn đề khác nảy sinh trong cuộc họp, đó là xác định vốn đầu tư trạm quan trắc tự động này là do DN hay nhà nước đầu tư?
Ông Bùi Tá Long, Viện Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc quy định chất lượng nước thải giữa các DN trong KCX-KCN với chủ đầu tư cơ sở hạ tầng là sự thỏa thuận nội bộ nên nhà nước không cần quan tâm. Nhà nước chỉ cần tập trung vào kiểm soát chất lượng nước thải tại các cửa xả của KCX-KCN ra kênh rạch tiếp nhận.
Nếu trường hợp kiểm tra mà thấy chất lượng nước không đạt thì xử lý chủ đầu tư KCX-KCN, còn làm thế nào để nước thải sau xử lý của HTXLNTTT đạt tiêu chuẩn thì để nội bộ chủ đầu tư với các DN trong khu tự giải quyết. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nhấn mạnh thêm, để có thể kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý cục bộ của các DN, mỗi chủ đầu tư KCX-KCN nên đầu tư khoảng 2 – 3 hệ thống quan trắc nước thải tự động lưu động, để có thể kiểm tra chất lượng nước thải của nhiều DN trước khi đấu nối. Trường hợp DN không chấp hành đúng cam kết thì có thể chuyển kết quả kiểm tra đến các cơ quan chức năng để xử lý.
Có thể nói, việc kiểm soát từng bước ngăn chặn tình trạng gian lận trong xả thải là cần thiết. Biện pháp ngăn chặn đã có. Quan trọng là các cơ quan chức năng cần phải xác định rõ trường hợp nào thì DN, chủ đầu tư hay nhà nước phải đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Từ đó, tạo được tính công bằng trong cạnh tranh sản xuất kinh doanh giữa những DN thực hiện tốt với những DN chây ì không thực hiện quy định về bảo vệ môi trường
Nguồn tin: sggp.org.vn