Trước thực trạng đó, hầu hết các gia đình ở xã Sơn Hải đều có một bể chứa nước mưa để tiết kiệm dùng uống và sinh hoạt trong nhà. Về mùa mưa, nước đủ dùng hoặc còn dư dả nhưng nếu gặp trời hạn kéo dài thì phải tiết kiệm tối đa may ra mới đủ. Thực tế tại địa phương cho thấy, cứ vào mùa hè, khi có nhu cầu tắm rửa, người dân lại xuống biển tắm rồi mới về nhà dội lại bằng nước ngọt.
Chị Nguyễn Thị Chung (SN 1965), trú tại xóm 4, xã Sơn Hải cho biết: “Nguồn nước bị nhiễm mặn, nhà tôi phải xây một cái bể lớn chứa nước mưa để dùng. Mà cũng không riêng gì nhà tôi, ở đây hầu hết các gia đình đều làm thế hoặc mua thùng về để chứa nước chứ nước giếng khoan thì không thể uống được. Ngày mưa còn đỡ chứ ngày nắng phải chi ly từng ca nước một may ra đủ chứ nếu không là phải đi mua nước”.
Cũng vì vậy nên việc hứng nước mưa để dùng không còn quá xa lạ với người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhà nào hứng từ nhà mái ngói còn đỡ, có những nhà phải lấy nước mưa từ mái nhà lợp pơ-rô xi măng, ẩn chứa nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh tật.
Bên cạnh đó, khi nước mưa hết, người dân phải mua nước máy, nước giếng khoan về để dùng với giá cắt cổ. Thường ngày, một xe chở khoảng 3m3 nước giếng khoan từ xã Quỳnh Long về bán có giá 120.000 đồng, hoặc 1 can 20 lít có giá 3.000 đồng.
Ở xã Sơn Hải, cứ hỏi đến bà Hồ Thị Phương (SN 1964), trú tại xóm 8 thì ai cũng biết. Bởi bà được người ta quen gọi với cái tên “bà Phương gánh nước”. Suốt 30 năm nay, người đàn bà ấy chuyên việc gánh nước thuê, bán cho các hộ gia đình nơi đây. Bà Phương chia sẻ: “ Nhiều nhà ở xã Sơn Hải không có nước ngọt nên phải nhờ tôi gánh nước về bán. Mỗi một gánh (2 can nhựa - PV) như năm trước tôi đi gánh về cho các gia đình với giá 4.000 đồng nhưng năm nay đã lên 6.000 đồng”.
Việc thiếu nước sinh hoạt hàng ngày đã khó khăn, chật vật nên việc phục vụ nước ngọt cho các tàu bè ra khơi của ngư dân lại khó khăn hơn bội phần. Một tàu ra khơi đánh cá, bên cạnh chi phí từ dầu mỡ, tiền ăn, tiền công... thì nay lại phải cộng thêm tiền nước ngọt. Bình thường một tàu ra khơi đánh cá phải mua nước ngọt từ 500 – 700.000 đồng. Chi phí cao, giờ lại thêm tiền nước nên đã gây ra nhiều bất cập cho các chủ tàu cũng như ngư dân.
Năm 2004, được sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước, dự án nước sạch cho người dân vùng ven biển Quỳnh Lưu được đầu tư và triển khai. Khấp khởi mừng thầm vì có dự án nhưng đến nay chẳng những không được sử dụng mà người dân còn khổ sở, lao đao và ngán ngẩm vì nước sạch hơn nhiều lần.
Dân đóng tiền gần 10 năm vẫn chưa có nước sạch
Khoảng tháng 11/2007, dự án nước sạch tại xã Sơn Hải được hoàn thành. Tuy nhiên, không hiểu sao nước sạch chỉ xả về được vài ngày đầu còn từ đó đến nay không còn được dẫn về nữa. Trải qua thời gian dài, đường ống dẫn nước đã "đắp chiếu" bỏ không, gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, hiện nay một số đoạn đường ống đã bị nhà máy nước tháo dỡ đưa về.
Trước tình trạng trên, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền cũng như thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vấn đề bức thiết này vẫn chưa được quan tâm.
Ông Trần Trọng Thành (SN 1958), trú tại xóm 6, xã Sơn Hải bức xúc chia sẻ: “Từ năm 2007, nhà tôi cũng như bao gia đình khác đã nộp hơn 1 triệu đồng cho UBND xã để lắp đặt ống nước máy. Thế nhưng, từ đó đến nay, nước về chỉ được mấy ngày đầu. Các chú nhìn đó là biết, đồng hồ không quay, vòi nước thì hỏng, trong khi đường ống thì hoen gỉ. Tiền thì đã nộp cách đây gần 10 năm, dân thì khao khát có nước sạch nhưng mà có thấy giọt nước nào đâu”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Dự án nước sạch do UBND xã làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ đồng. Hiện, xã đã thu các hộ gia đình trong toàn xã 800 triệu đồng. Tuy nhiên, do công trình chưa bàn giao nên chưa có nước sạch dẫn về. Bên cạnh đó, nhà máy không đủ công suất để cung cấp nước”.
Trong khi đó ông Hoàng Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Quỳnh Lưu cho biết: “Xã Sơn Hải đã có đường ống nhưng không có nước về vì khi triển khai, dự án chưa thanh toán tiền nước thử vòi cũng như bên thi công. Thực tế thì công suất của nhà máy cũng không đủ cung cấp nước cho nhu cầu hiện tại của người dân Quỳnh Lưu mà thay vào đó là chỉ đủ cung cấp cho thị trấn Cầu Giát và một số xã lân cận như Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng”.
Được biết, Công ty TNHH MTV cấp nước Quỳnh Lưu tiền thân là Nhà máy nước sạch Cầu Giát được xây dựng từ năm 1996 với công suất thiết kế là 3.000m3/ngày đêm. Hiện tại, nhà máy đang thi công và nâng công suất nhà máy lên 10.000m3/ngày đêm.
Việc nhà máy đang triển khai dự án để nâng công suất khiến ai ai cũng hy vọng rằng, sắp tới đây, nước sạch sẽ được cung cấp đủ cho người dân huyện Quỳnh Lưu, đặc biệt là bà con xã Sơn Hải. Tuy nhiên, trước cảnh dự án "đắp chiếu", người dân xã này vẫn không khỏi lo lắng bởi cảnh sống lao đao vì không có nước sạch bao năm nay.